Tìm kiếm - Search


29 thg 3, 2015

Suy niệm Tin Mừng thứ hai Tuần Thánh


SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN THÁNH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 12,1-11
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết
. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? " Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."
Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

II. GỢI Ý SUY NIỆM
Khác với Tin Mừng Mátthêu và Márcô, Tin mừng Gioan xác định người xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu là cô Maria, một trong ba chị em Mátta, Maria và Lazarô. Thay vì nói chung chung là các môn đệ hay vài người khó chịu vì hành động bị coi là lãng phí này, Tin Mừng Gioan nên đích danh Giuđa Iscariot là người phản đối, với lý do đem bán dầu thơm lấy tiền nuôi người nghèo sẽ tốt hơn. Ở đây chúng ta không lên án ai, nhưng chỉ dừng lại ở ý nghĩa biểu tượng mà Văn Chương Gioan muốn chuyển tải: “CẢ NHÀ NỰC MÙI THƠM”.
Một câu ngắn gọn và có lẽ là câu ngắn nhất trong Tin Mừng này, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa lớn, làm trọng tâm cho cả bài tường thuật sự kiện tại Bêtania hôm nay.
Hành động của Maria là một hành động của tình yêu dành hết cho thầy Giêsu, một biểu tượng của hiền thê Giáo Hội với Đấng Tình Quân. Maria đã đổ xuống trên chân Thầy cái bình dầu thơm quý nhất (có giá tới 3 trăm quan tiền – là một giá trị rất lớn thời đó) mà mọi phụ nữ Do-thái đều mơ ước, cô còn lấy mái tóc là niềm tự hào của vẻ đẹp người nữ để lau chân thấy. Đó là những hành động mà Tin Mừng thứ IV nhìn thấy như là biểu tượng đặt dưới chân thầy trọn vẹn tình yêu tinh thần và thể xác của Maria. Và chính hành động này làm cho cả nhà nực mùi thơm, nghĩa là hương thơm của lòng mến được lan tỏa.
Trước hành động của Maria và sự phản đối của Giuđa, Chúa Giêsu nói: “Cứ để cô ấy yên”. Chúng ta nhận thấy ở đây có ba điều quan trọng thể hiện qua ba nhân vật: Maria quên hết tất cả mọi sự hiện diện xung quanh, giờ đối với cô chỉ còn Chúa Giêsu là tất cả, và cô sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì cô có mà không tính toán so đo, cũng như không sợ ai chê cười. Chúa Giêsu coi trọng hành động tình yêu thì cao cả hơn mọi thứ khác. Còn Giuđa thì nhìn đâu cũng thấy tiền, đặt cái lợi lên trên tất cả.
Hành động của Maria chính là hành động của những tâm hồn dám đặt Chúa Giêsu lên trên hết, dâng cho Chúa tất cả những gì mình có thể; cách riêng nơi đời sống tu trì, khi họ dâng cho Chúa tất cả tâm hồn và thể xác cùng những gì họ sở hữu. Chúa Giêsu đón nhận tấm lòng yêu mến, và Người chống lại quan điểm của người đời, mà cụ thể nơi sự phản kháng của Giuđa, là ngừơi xem tiền của vật chất hơn cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sắp tới và coi thường chuyện tiền bạc hơn hành động tình yêu. Một con người chỉ có coi tiền làm trọng nên nhìn bình dầu Giuđa đã nhìn thấy 300 quan tiền. Thưc ra, Tin Mừng nói rõ rằng, Giuđa lấy lý do giúp người nghèo thực ra chỉ là một cách ngụy trang che đậy sự tham lam của ông.
Chúng ta vẫn thường nghe: “…Chà phung phí quá ! Sao lại đi tu chứ ? Cỡ như thầy, như soeur mà lo giúp đời thì hay biết mấy? Trong khi có bao nhiêu điều cần làm trong lãnh vực bác ái và cả trong việc loan báo Tin Mừng, người ta có thể làm mà không cần có những cam kết đặc biệt của đời tu… Phải chăng là một sự phung phí năng lực mà con người có thể thi thố và giúp ích cho Giáo Hội vừa có lợi cho xã hội?
Thực ra vấn nạn trên đã xưa như trái đất, thời nào cũng có người thắc mắc, có phần tâng bốc ông thầy, lấy lòng masoeur, hoặc hiểu đời tu cách sai lạc, hiểu và nhìn đời tu dưới lăng kính cầu lợi vật chất. Nếu đem so sánh với Tin Mừng thánh Gioan, thì thắc mắc trên có khác gì lời cằn nhằn đầy giả dối của Giuđa khi tỏ ra tiếc xót bình dầu quý của cô Maria: “Phung phí quá ! nếu dùng tiền tương đương bình dầu đó mà giúp người nghèo thì hay biết mấy…” Và Chúa Giêsu đã trả lời : “Cứ để mặc cô ấy làm”.
Người đời quan niệm là như thế là do phần lớn chỉ thấy những cái lợi thực tế bề ngoài, chứ không nhận ra được giá trị và hiệu năng của việc dâng hiến và hành động của tình yêu.
Thánh Phao-lô từng quả quyết về sự cao trọng và trường tồn của đức mến. Tất cả sẽ qua đi tất cả, chỉ có đức mến lưu danh muôn thuở và là tiếng thơm cho đời. Hơn ai hết, đức mến của các tu sĩ phải vượt trên mọi mức độ có thể định nghĩa, nghĩa là yêu như Chúa yêu, yêu đến hy sinh cả tính mạng. Cho đi một cách nhưng không, không tính toán và hoàn toàn vô vị lợi – “không để lòng quảng đại gặp được lòng biết ơn”. Thiên Chúa có thể dè dặt trước mọi hành động của con người, riêng về lòng mến thì luôn được Người đề cao khích lệ, cho dù những việc làm về lòng mến đôi khi có phần khác thường dưới con mắt người đời. Chúa đã từng trách Giu-đa vì ông cằn nhằn trước hành động chan chứa yêu mến của Maria (khi lấy dầu xức chân Chúa) và Chúa đã bảo: “Cứ để cô ấy làm…” – cứ để cô tha hồ làm mưa làm gió để thỏa mãn con tim dâng tràn sự yêu mến…và đã làm cho cả nhà nực mùi thơm (x. Ga 12,3).
“Những ai đã bị vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa thu hút sẽ thấy việc làm mà người đời cho là phung phí kia lại chính là một cách đáp trả hiển nhiên cho một mối tình, là một cách bày tỏ lòng tri ân vì đã được Chúa chọn cách đặc biệt để hiểu biết Con Chúa và chia sẻ sứ mạng của Ngài trong thế giới” (VC 104).

Tóm lại, hình ảnh hương thơm từ bình dầu quý mà cô Maria xức lên chân Chúa đã làm cho CẢ NHÀ NỰC MÙI THƠM màng một ý nghĩa yêu mến cao độ. Sự yêu mến đó bắt đầu bằng việc hy sinh tất cả cho Chúa (bình dầu thơm) kết hợp với lòng khiêm hạ và yêu mến thẳm sâu (xức lên chân Chúa và lấy tóc mình mà lau), được liên kết giao thoa với Tình Yêu Chúa Giêsu (dầu đổ lên chân Chúa), đã toả hương cho đời và cho người. Hành động yêu mến luôn tự nó tỏa hương thơm nhân đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết liên lỉ yêu mến Chúa, để cuộc đời chúng con tỏa hương thánh thiện và yêu mến trên mọi người, hầu họ cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ. Amen.
Hiền Lâm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét