Tìm kiếm - Search


28 thg 3, 2015

Chúa Nhật Lễ Lá- năm B

dh.jpg

SỰ THÚC ĐẨY CỦA TÌNH YÊU

Thưa quý OBACE, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ sẽ còn phải tốn rất nhiều thời gian và giấy mực để viết về đề tài tình yêu, vì người ta sẽ không thể nào giải thích, cũng không thể diễn tả hết được tình yêu cha mẹ dành cho con cái, tình yêu đôi bạn trẻ dành cho nhau.
Người ta sẽ không thể giải thích được tại sao có những đôi bạn trẻ dám chấp nhận mọi nguy hiểm kể cả mạng sống để có thể đến được với nhau, hay những người cha, người mẹ chấp nhận đau khổ, hao mòn và cả cái chết để cho con mình được sống. Ngược lại, xã hội không thể hình dung được có những người con đang tâm đem mẹ già bỏ ngoài vỉa hè trong mùa đông giá rét, sau đó, người mẹ chết thì không đứa con nào muốn đưa xác mẹ vào nhà.
Tin Mừng Marcô hôm nay cũng cho thấy những mảng sáng và mảng tối trong một bức tranh về tình yêu, trong đó bao gồm cả sự ngưỡng mộ, yêu mến lẫn sự phản bội bẽ bàng đối với tình yêu của Chúa Giêsu.
Bằng một giọng văn chân chất, tác giả cho thấy tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và nhân loại như một dòng chảy tự nhiên xuất phát từ trái tim của một người cha dành cho con. Chúa Giêsu được trình bày như một người cha cặm cụi chuẩn bị từng chi tiết, lo lắng hy sinh cho con đủ điều và kết cục là chấp nhận cả cái chết để cho con mình hạnh phúc. Trước khi kể về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Thánh sử đã kể lại hai biến cố tương phản nhau để cho thấy sự đáp trả của con người đối với tình yêu Thiên Chúa.
Trước hết là câu chuyện xảy ra ở Betania, tại nhà ông simon Cùi. Sự kiện là, đang khi mọi người dùng bữa, thì có một phụ nữ xuất hiện. Trong mắt mọi người, cô ấy là một đứa lăng loàn mất nết, vậy mà, phụ nữ này đã dám đập bể một bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa. Việc làm này khiến nhiều người ở đó cho là vô lý và phí của. Họ trách cô rằng : Tại sao không bán bình dầu lấy tiền cho người nghèo ? Họ đã mượn danh người nghèo để phê bình hành động của cô, vì người ta không thể hiểu tại sao cô làm như thế. Nhưng Chúa Giêsu đã hiểu, đã cảm nhận được và còn biết thấu tâm hồn cô, Ngài đã nói với mọi người rằng cứ để cho cô làm. Vì  những người này đã lấy những lý luận thông thường của lý trí để xét đoán hành động của người khác, còn Chúa Giêsu, Ngài nhìn hành động của người khác bằng con mắt của trái tim để thấu cảm với họ.
Chúa Giêsu cũng điều chỉnh thái độ mượn danh người nghèo để phê bình hành động của người khác khi nói với họ: Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn tôi thì các ông chẳng có mãi đâu. Cô ấy lấy dầu thơm xức chân tôi là dấu chỉ của việc mai táng… thiên hạ sẽ nhớ đến việc làm này của cô.
Nếu như câu chuyện thứ nhất đem lại cho Chúa Giêsu sự an ủi, thì câu chuyện thứ hai lại gây tổn thương, đau lòng cho Ngài. Giuđa là một trong những môn đệ của Chúa lại trở thành kẻ phản bội, môi giới trao nộp Thầy với cái giá bán một tên nô lệ. Cái đau khổ nhất trong tình yêu đó là khi thấy mình bị phản bội, mà kẻ phản bội lại là kẻ gần gũi nhất với mình. Chúa Giêsu đã trải qua nỗi đau bị phản bội ấy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hy vọng anh ta hối hận khi Ngài dành cho anh cử chỉ của tình yêu. Ngài nhiều lần nhắc anh trong bữa tiệc ly, nhưng anh không nhận ra tín hiệu yêu thương của Chúa, anh đã từ chối ánh sáng để chọn bước vào bóng tối. Dù bị phản bội và vấp phải sự cứng lòng của Giuđa, nhưng Chúa Giêsu vẫn không ngừng bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ.
Cao điểm của bữa tiệc vượt qua cuối cùng này, Chúa Giêsu đã thực hiện hết tất cả những gì trái tim mách bảo và tình yêu thúc đẩy. Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và nói : Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Ngài cầm chén và trao cho các ông : Đây là chén máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người. Với việc làm cho bánh rượu trở nên mình và máu rồi trao cho các môn đệ để các ông cầm lấy mà ăn mà uống, Chúa Giêsu đã trao cho các ông trọn vẹn cả con người của mình, trở nên như một quà tặng đặt vào tay các ông. Nếu như người phụ nữ chỉ đập bể một bình dầu, các ông đã lấy làm xót xa, thì giờ đây, Chúa còn bẻ nát cả con người của mình để trao cho các tông đồ làm của ăn của uống nuôi các ông. Hành động này chỉ có thể hiểu được bằng trái tim mà thôi.
Liền sau đó, Tin Mừng thuật lại chi tiết việc Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn: kẻ phản bội thực hiện ý đồ của mình ; những thượng tế và luật sĩ là những kẻ chủ mưu thì hả hê vì chiến thắng ; các môn đệ, những người được yêu, thì dửng dưng nằm ngủ, rồi khi thức dậy thì sợ hãi bỏ trốn hết. Lúc này, Thánh Marcô muốn cho thấy: Chúa Giêsu đã bằng lòng bước vào trần gian vì yêu nhân loại, thì giờ đây, Ngài cũng bằng lòng đi hết con đường trần gian vì yêu nhân loại. Đoạn đừng cuối cùng ở trần gian của chúa Giêsu lại là đoạn đường bi thương nhất do chính những kẻ được yêu gây ra cho Ngài. Những luật sĩ, thượng tế đã muốn loại trừ Ngài ra khỏi cộng đồng. Họ hành hạ Ngài cho thỏa cái ác trong lòng họ. Họ trút xuống trên Ngài sự thù hận mà họ nuôi dưỡng.
Câu chuyên Tin Mừng cho thấy một bên là tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Ngài hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả ; còn bên kia là bộ mặt thật của con người khi bị cái ác điều khiển, bị ma quỷ thống lĩnh, khi lương tâm không còn nhạy bén, khi sự thù hằn lên đến đỉnh cao thì sẽ dẫn đế tình trạng loại trừ người khác và hành động dã man như thế.
Thưa quý OBACE, sự dã man, gian ác đang nằm sẵn trong mỗi người và ma quỷ là kẻ rất xảo quyệt, khéo léo khơi dậy cái ác và sự dã man trong mỗi con người. Cùng với ma quỷ là tình trạng tội lỗi sẽ làm cho lương tâm con người bị chai lì và bóp nghẹt trái tim khiến con người trở nên vô cảm trước nỗi đau của anh em đồng loại. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều tâm hồn con người.
Thật đáng buồn khi ta thấy cái ác đang diễn ra trong xã hội và ngay trong khu vực chúng ta đang sống. Cái ác đang xảy ra ngay trong xóm đạo, trong gia đình những người Công Giáo. Điều đó chứng tỏ rằng, nơi đó đang thiếu vắng tình yêu, nhất là thiếu vắng Thiên Chúa. Họ thiếu vắng Thiên Chúa không phải vì Thiên Chúa không có mặt ở nơi đó, mà là do chính những con người ấy đã muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của họ. Họ không muốn Thiên Chúa can thiệp vào đời sống và công việc của họ.
Bạo lực cũng đang xảy ra nơi gia đình. Nhiều cha mẹ đã không còn tình yêu quảng đại và sự hy sinh dành cho con cái, thay vào đó là sự ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến con cái. Nhiều vợ chồng không còn muốn hy sinh cho nhau, nhiều cha mẹ ngại hy sinh, sợ vất vả vì con. Vì thế, họ đã biến gia đình thành nơi để trút xả những cơn giận dữ. Họ chửi bới, khiến cho gia đình không còn là mái ấm tình yêu nữa. Cũng vậy, nhiều bạn trẻ đã để cho bản năng và sự ác điều khiển, khiến dễ dàng cư xử với nhau bằng bạo lực, cơ bắp, bằng sự nóng nảy thay vì bằng tình yêu thương, sự quảng đại và tha thứ.
Chỉ có tình yêu mới có thể đem đến hòa bình, chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành được vết thương của hận thù. Xin cho mỗi người bước vào Tuần Thánh, nhìn lên thập giá Chúa Giêsu để học nơi Chúa bài học yêu thương và tha thứ. Hãy đón Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng và để Ngài hướng dẫn mọi hành động của chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết để cho trái tim và tình yêu thúc đẩy, để mỗi người dám hành động vì tình yêu dù có phải chấp nhận hy sinh. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét