Tìm kiếm - Search


2 thg 3, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Chay năm B

2011.jpg

QUYỀN HÀNH TÔN GIÁO


Lời Chúa: Mt 23,1-12
(1) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy.
(3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".

(8) "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những cuộc chạm trán của Chúa Giêsu với bậc tôn giáo đạo Do Thái thời bấy giờ. Đó là những cuộc tấn công mạnh mẽ của Ngài sau khi đã tranh cãi với họ về sự phán xét dân Israel trong tương lai qua ba dụ ngôn từ chương 21,15 đến chương 22,14 và bốn cuộc tranh luận trong chương 22, 15-46. Ở đây không còn là vụ án theo kiểu các ngôn sứ thuở xưa, nhưng là lời phán xét của chính Đấng Mêsia, Ngài là Con và là Chúa của Đavít, Đấng đã đến. Lời công kích này còn là lời ngỏ với đám đông và các môn đệ có liên quan đến quyền hành tôn giáo. Chúng ta cùng đọc và tìm hiểu hơn những vấn đề trong phần đầu của chương 23 này.
"Các kinh sư và người Pha-ri-siêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy" (c.2). Tòa ông Môsê là chỗ ngồi di động trong hội đường. Các luật sĩ thường ngồi ở đó để cắt nghĩa lề luật, còn người biệt phái không ngồi ở đó. Nhưng các luật sĩ mà thánh sử nói đến xuất thân từ nhóm biệt phái. Những gì họ nói – Chúa căn dặn các môn đệ - “anh em hãy làm, hãy giữ". Như vậy, Chúa Giêsu không phủ nhận quyền cắt nghĩa luật của họ mà chỉ lên án những hành vi sai trái của họ, vì họ nói mà không làm (c.3). Lời cáo buộc nhấn mạnh ở chỗ : nói một đàng, làm một nẻo. Nơi họ : hành vi và lời nói bất nhất. Có lẽ để tạo sức mạnh cho luật và uy tín, nên họ ra những qui tắc nặng nề mà chính họ không giữ nổi (c.4). Điều này trái ngược hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng chu toàn mọi lề luật nhưng lại có một tâm hồn bao dung đại lượng với kẻ tội lỗi.
Các kinh sư và người Pha-ri-siêu có lẽ muốn nêu gương cho người khác nhưng những hành vi ấy đều mang tính phô trương sự đạo đức (c.5). Họ mang các hộp chứa những câu Kinh Thánh trên tay, trên trán, cốt để người ta thấy. Họ đeo tua áo dài cũng là dấu chỉ tỏ ra con người đạo đức thánh thiện. Một hành vi kiêu ngạo, tự phụ khoe khoang quá đỗi, đến nỗi họ còn tự đề cao mình bằng cách ngồi cỗ nhất, ghế hàng đầu và thích được mọi người biết đến, tuyên dương và ca ngợi họ như Chúa Giêsu đã nói : Họ đã được thưởng công (6, 2.5.16).
Sau khi đã cảnh cáo mạnh mẽ những luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu quay lại dặn các môn đệ "Phần anh em, đừng để ai gọi mình là "Rápbi" vì chỉ có một Thầy" (c.8). Chính Đức Ki-tô là Vị Thầy duy nhất. Ngài giảng Lời Thiên Chúa và chính Ngài là Lời sống động. Còn tất cả đều là anh em ngang hàng với nhau, trong cùng một đức tin, một phép rửa và niềm tin. "Đừng gọi ai là cha, vì anh em chỉ có một Cha trên trời". Ngài chính là người cha yêu thương, nhân hậu, chăm sóc đến mọi nhu cầu của từng người. "Đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một lãnh đạo là Đức Ki-tô". Vì Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và Sự Sống, chỉ nơi Ngài chúng ta mới được lãnh nhận ơn cứu độ.
Sau khi đã thuyết giáo cho các môn đệ về ba việc "đừng làm", Chúa Giêsu đã đúc kết bài học như sau "Trong anh em, ai làm lớn phải phục vụ". Đó là luật vàng cho những người mang trách vụ trong Ki-tô giáo, vì chức vụ chỉ là một công cụ để phục vụ và đồng thời mọi chức sắc sẽ bị Chúa xét xử theo lòng khiêm tốn khi phục vụ, điều mà Chúa hằng mong đợi nơi kẻ ấy "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống…".
Ngày nay, không ít người trong chúng ta tham quyền cố vị. Thậm chí có người mong được chức này vị kia để ra oai hay chèn ép người khác, nên họ "tung hoành" khi được cất nhắc lên chức và tiu nghỉu khi bị hạ bệ, thất sủng. Tôi nhớ có một linh mục khi mới chịu chức, ông cố nói nhỏ : Con về làng để bố mở tiệc ăn mừng. Vị tân linh mục trả lời: Bố thử nghĩ xem, có ai mở tiệc ăn mừng khi con mình làm đầy tớ bao giờ… Trong mọi thời, chức vị và uy quyền đã âm thầm luồn lách vào cửa tu viện, vào hàng giáo phẩm, vào các chức sắc trong giáo xứ. Nếu không cảnh tỉnh, chúng ta sẽ làm nô lệ cho chức quyền mà không biết.
Lạy Chúa Giêsu, trong Năm Đời Sống Thánh Hiến, chúng con cầu nguyện đặc biệt cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ của Chúa được luôn ý thức thân phận tôi tớ hèn mọn của mình khi được Chúa ban ơn và nâng lên để phục vụ dân Chúa. Ý thức được như vậy, chúng con mới có cung cách, lối sống đúng của người tôi tớ. Xin mẹ Maria, nữ tỳ thấp hèn của Chúa dạy chúng con biết phục vụ trong khiêm tốn, cậy dựa vào ơn Chúa, cậy nhờ tình anh em chung tay góp sức xây dựng Nước Trời và nhất là khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi hoạt động của chúng con. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét