Tìm kiếm - Search


3 thg 3, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Chay năm B

b.jpg

CÁM DỖ THAM VỌNG QUYỀN LỰC
Lời Chúa: Mt 20, 17-28
Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy niệm :
Cuộc sống con người phải đối diện với nhiều cám dỗ như tiền bạc, dục vọng, danh vọng và quyền lực. Khi con người rơi vào cám dỗ này, nó sẽ biến người ta trở thành như một bạo chúa tàn ác hoặc như một con thú hung dữ có thể thủ tiêu hoặc làm tổn thương cho người khác.
Giêremia là một ngôn sứ có uy tín, trong hoàn cảnh đất nước đang bị đe dọa bởi ngoại xâm, ông lên tiếng kêu gọi mọi người: Muốn tránh nạn ngoại xâm thì phải trở về với Chúa, trở lại với đường ngay nẻo chính, gạt bỏ những bất công gian ác. Ông cũng lên tiếng cảnh báo nhà vua cùng giới lãnh đạo về đời sống cũng như trách nhiệm của họ đối với đất nước trong lúc lâm nguy. Tuy nhiên, vì ganh tị với ông, vì không muốn nghe những tiếng nói đối lập, những lời cảnh cáo thẳng thắn, những người lãnh đạo Do Thái đã bàn mưu để hại ông. Trong hoàn cảnh như thế, Giêrêmia đã chỉ còn biết cậy trông vào sự công minh của Thiên Chúa và tìm sự che chở từ nơi Thiên Chúa và ông luôn xác tin rằng Thiên Chúa có cách hành xử riêng của Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho thấy sự khác biệt trong cái nhìn của Chúa Giêsu và các môn đệ. Mặc dù đã theo Chúa gần ba năm, thế nhưng dường như các tông đồ vẫn chưa thấm nhuần được giáo huấn và chưa hiểu về Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đưa nhóm mười hai tông đồ đi riêng với Ngài trên đường lên Giêrusalem. Thời điểm này có nghĩa là Chúa Giêsu đã đến gần với cuộc khổ nạn. Để chuẩn bị tâm lý cho các ông, Chúa đã nói trước: Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư, họ sẽ kết án xử tử Người…và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy. Mục đích cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là hướng về cuộc khổ nạn thập giá để hoàn tất thánh ý Chúa Cha, để cứu chuộc nhân loại. Vì thế cuộc khổ nạn này, dù có đau khổ, sợ hãi nhưng Chúa Giêsu vẫn đón nhận trong yêu mến, vì muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Tuy nhiên, dù theo Chúa, nhưng hầu như các tông đồ không quan tâm gì tới Chúa, họ cũng chẳng cần để ý Chúa Giêsu đang làm gì và đang muốn gì nơi họ, vì thế, bà mẹ của Dêbêdê và Gioan đã đến xin Chúa một điều hoàn toàn ngược lại. Trong lúc Chúa Giêsu muốn từ bỏ mọi vinh quang, danh vọng, quyền lực của thế gian để chỉ vâng phục Thiên Chúa, thì bà mẹ của hai môn đệ này lại tìm kiến địa vị danh vọng theo kiểu thế gian. Họ xin một người được ngồi bên phải, một người ngồi bên trái Chúa khi Chúa thành công.
Chúa Giêsu đã chỉnh sửa cái nhìn sai lạc của những người này về cuộc thương khó cũng như về Nước Trời mà Ngài đang xây dựng, cũng như sau này Ngài cũng chỉnh sửa cho Philatô khi nói với ông: Nước Tôi không thuộc thế gian này. Để được vào Nước của Ngài, không phải là tìm kiếm chỗ nhất chỗ nhì, cũng không phải vì tìm kiếm danh vọng hay quyền lực, mà là phải đi cùng một con đường Chúa đã đi và chia sẻ cùng một chén là cuộc thương khó Người phải chịu, thì mới có thể trở thành công dân trong nước Trời được.
Nếu như mẹ của hai ông Dêbêdê và Gioan cùng các con đã nhìn sai về Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng, thì các tông đồ khác cũng không khá hơn, họ rơi vào tình trạng tức tối ganh tị với hai người kia. Việc họ tức tối ganh tị đã cho thấy rằng dù họ không nói ra bằng lời, nhưng trong lòng họ cũng đang chờ đợi hoặc đang tìm kiếm một điều gì hết sức trần tục. Họ cũng âm thầm chờ đợi được chia sẻ quyền lực địa vị, danh vọng khi Thày của họ khởi nghĩa thành công. Họ mong đợi Thầy của họ khởi nghĩa, làm vua, chứ không mong đợi Ngài bước vào cuộc tử nạn khổ giá.
Thấy các học trò của mình có những cái nhìn lệch lạc và có sự ghen tị phân bì với nhau như thế, Chúa Giêsu đã gọi các ông lại điều chỉnh và dạy các ông biết thế nào là phục vụ và người đứng đầu trong anh em. Chúa cho thấy: Thủ lãnh của trần gian thì dùng quyền để thống trị dân… Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ, ai muốn làm đầu thì phải là người hầu hạ anh em.
Sự ghen tị phân bì không chỉ xảy ra khi thấy người khác hơn mình về danh vọng quyền lực hoặc khi thấy người khác được thuận lợi hay thành công hơn mình, mà nó còn xảy ra trong cả lãnh vực đạo đức, trong đời sống đức tin. Nhiều người cảm thấy khó chịu, ghen tị khi người khác đạo đức hơn mình, siêng năng đến với Chúa hơn mình, từ đó dẫn đến bới móc đàm tiếu nhau. Chúa Giêsu đã khẳng định: giữa anh em thì không được như thế.
Chúa Giêsu còn mời gọi các tông đồ noi gương Ngài: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ngài là một vị Thầy, là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không đòi cho được ngang hành với Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải đi theo con đường của Chúa Giêsu và hành xử như Chúa Giêsu, dám cùng Ngài bước vào con đường thập giá là con đường yêu thương từ bỏ.
Xin cho chúng ta biết gạt bỏ khỏi mình những tham vọng, quyền lực của trần gian để luôn biết tìm kiếm Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Xin cho chúng ta luôn biết cảm tạ Chúa vì tất cả những gì Chúa đang ban cho chúng ta, đừng bao giờ để chúng ta mang trong mình đôi mắt ghen tị so bì với anh em, vì chính từ thói ghen tị sẽ dẫn đến sự chia rẽ và thù hằn với nhau.
Sau cùng, nhờ siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng ta biết học nơi Chúa bài học của yêu thương và phục vụ, khiêm nhường và chia sẻ, để mỗi ngày chúng ta nên Giống Chúa Giêsu là đấng đã đến để phục vụ nhân loại chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét