Mt 25,14-30
Tay lao động mới có của ăn, như ca dao nhấn mạnh:
"Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần tới cho".
Không dưng ai dễ mang phần tới cho".
Chúng ta có tồn tại được là do sự lao động cần cù, lao động trong tương quan với cuộc sống gắn chặt sâu sắc như tư tưởng sau đây: "Lao động là đổ thêm dầu vào cây đèn cuộc sống, còn tư tưởng thắp sáng nó lên" (G. Benlerse).
Dân gian Việt Nam trải qua ngàn năm lịch sử luôn khắc ghi câu chuyện cổ tích Thần Trụ Trời làm ra trời đất: Thần Trụ vươn vai đứng dậy, ngẩng đầu đội trời lên. Thần đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn mênh mông được nâng dần lên chừng ấy. Thần một mình hì hục đào, đắp, cột đá cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh… Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...Vì vậy, dân gian có câu hát còn truyền đến ngày nay: “Ông đếm cát, Ông tát bể (biển), Ông kể sao, Ông đào sông, Ông trồng cây, Ông xây rú (núi), Ông trụ trời...”.
Như vậy, ngay từ ngàn xưa người dân Việt Nam đã nhìn thấy cái gốc của vũ trụ vạn vật được xuất phát từ lao động.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa lao động sáu ngày trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào trong chương trình của Ngài sau khi thiết định vũ trụ: “Thiên Chúa đã đặt họ trong vườn Êđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Con người làm việc hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá: Đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (x. St 1,28). Thiên Chúa nói với con người “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3,19). Kinh thánh nghiêm khắc với người ở không nhàn rỗi, nguyên nhân chỉ vì người lười biếng không có gì ăn (x. Cn 13,4) và có nguy cơ chết đói (x. Cn 21,25), Kinh Thánh chế nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26,14). Thánh Phaolô nói trực diện sự sai lầm của những người lười biếng lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Tx 3,10).
Lao động là công việc thánh thiêng, qua lao động con người được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1,26). Nhờ lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính mình và thế giới (x. Lc 19,13). Ngôi Lời nhập thể không loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống “nhập thể” của Người, Ngài lao công trong gia đình thợ mộc tại Nadarét. Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13,55), “ông thợ mộc” (Mc 6,3). Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm trời tại Nadarét. Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của gia đình Nadarét. Nghề thợ mộc của Chúa Giêsu học từ cha nuôi Giuse trong những năm tháng ở nhà Nadarét. Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc.
Sau này khi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài noi gương Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy”(Ga 5,17). Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: Dụ ngôn người Mục tử (x. Ga 10,1-16); người nông dân (x. Mc 12,1-12), người gieo giống (x. Mc 4,1-9)… Thánh Phaolô làm nghề may lều và Ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ cho vấn đề mưu sinh: “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền toái đến ai trong anh em”(2 Tx 3,8).
Chúng ta - những người lao động, vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Lao động thì được Chúa chúc lành và ban ơn nếu con người biết hướng lao động theo ý Chúa như lời Thánh Vịnh:
“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân.
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”
(Tv 65,12).Trong tâm tình của Mùng Ba Tết - ngày thánh hoá công ăn việc làm, cùng với dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ mà chúng ta đang mang trách nhiệm gánh vác:
"Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt,
trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông,
ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi"
(St 8,22).
Lm. VinhSơn
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét