Tìm kiếm - Search


9 thg 4, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh

gi.jpg

“CHÚA ĐÓ !”

Lời Chúa: Ga 21, 1-14
(1) Sau đó, Ðức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. (2) Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simon nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh". Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

(4) Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. (5) Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". (6) Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
(9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Ðức Giêsu bảo các ông: "Ðem ít cá mới bắt được tới đây!" (11) Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Ðức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết.
Suy Niệm
Cuộc Thương Khó diễn ra ở Giêrusalem, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh lại chọn Biển Hồ làm nơi hẹn cho cuộc gặp lần cuối này (c. 1). Biển Hồ với biết bao kỉ niệm vui buồn trong tương quan với nhau, với Thầy Giêsu và với nhiều người khác nữa trong sứ vụ. Bao kỉ niệm chợt về, thật sống động và cũng thật xúc động. Nhưng, các môn đệ được mời gọi sống lại những kỉ niệm này với Ánh Sáng mới, Ánh Sáng của Đấng Phục Sinh; với một sự Hiện Diện mới, Hiện Diện vượt không gian và thời gian; và với một tương quan mới, tương quan mến thương vượt qua sự có mặt hữu hình. Để hướng về tương lai và đảm nhận tương lai, Chúa cũng mời gọi chúng ta nhớ lại và sống lại “kỉ niệm” như thế đấy, những kỉ niệm trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi, trong những kì tĩnh tâm và những thời gian đặc biệt.
Chúng ta hãy dừng lại nhìn ngắm từng khuôn mặt: Simôn Phêrô, Tôma, Nathanael… (c. 2). Các ông có cả một cuộc hành trình chung với nhau, nhưng mỗi người đến từ những “vùng quê” khác nhau, gia nhập nhóm theo những cách thức khác nhau và với những hoài bão khác nhau, mỗi người gặp những thách đố khác nhau… Và cũng khó khăn cho nhau nữa.
“Tất cả đang ở với nhau”, trao đổi rất ít. Chúng ta chỉ nghe được tiếng gió, tiếng sóng thôi. Nhưng tâm tình và tâm tư thật nhiều, thật nhiều như chính nhóm hay cộng đoàn của chúng ta lúc này đây. Chúng ta có thể nhìn lại mình và nhìn ngắm nhau; và nhất là lắng nghe sự thinh lặng.
1. Suốt đêm thâu (c. 3)
Các tông đồ rủ nhau đi đánh cá, đúng hơn là mọi người tình nguyện làm theo ông Phêrô: “chúng tôi cùng đi với anh”. Chúa Giê-su từng liên kết, khi gọi Phê-rô, việc đánh cá với việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (Lc 5, 10). Vì thế, hình ảnh này đã loan báo cho chúng ta cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội sẽ được khai sinh từ sức sống của Đức Ki-tô phục sinh. Những gì diễn ra sau đó, Tin Mừng thuật lại chỉ với nửa câu: “Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” (c. 3b). Nhưng thời gian của kinh nghiệm này là suốt đêm, “suốt đêm thâu”. Tin Mừng không thuật lại diễn biến của kinh nghiệm, có lẽ vì chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này, và vì thế, có thể tái hiện lại cách dễ dàng.
Chúng ta có thể dành thời giờ để chiêm ngắm (nhìn và nghe) những gì diễn ra trên con thuyền nhỏ bé suốt đêm thâu. Đã có lúc, hoặc đã có cả một giai đoạn, mỗi người chúng ta, cả nhóm chúng ta, cả Cộng Đoàn chúng ta hành động như thế đấy, sống như thế đấy: tự mình dự tính, tự mình làm lụng, tự mình loay hoay mà không cần có Thầy. Đức Giêsu đã từng nói: “không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được”. Dĩ nhiên, Chúa không muốn nói chuyện “đánh cá”, nhưng nói đến sứ vụ làm sinh hoa kết quả cho vinh danh Chúa Cha. Xét cho cùng, có lẽ không có Thầy chúng ta cũng làm được một chút gì đấy chứ; nhưng rất tiếc đó không phải là “chút gì” cho “Nước của Thiên Chúa”, không phải cho “Sự Sống” mà Đức Giêsu muốn làm cho lan tỏa giữa chúng ta, giữa loài người chúng ta, không phải cho “Ngọn Lửa” mà Đức Giêsu muốn thổi bùng lên, không phải là tình thương mà Chúa ước ao làm lan tỏa giữa chúng ta.
Kinh nghiệm này vẫn có thể lập lại. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên có “Ai Đó” đứng ở “trên bờ” chờ đợi chúng ta không biết từ khi nào.
2. Trời đã sáng (c. 4-8)
Trời đã sáng, Đức Giêusu đứng trên bãi biển. Chúng ta có thể dừng lại chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này: Một Dáng Hình hài hòa vào trong Ánh Sáng. Ngài ở đó từ bao giờ? Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có “Ai Đó” hiện diện, dù đó là đem đen, hay vào những lúc chúng ta thấy mình cô độc, không nhận ra có “Ai Đó” bên mình. Chúa chính là “Ai Đó” vẫn luôn hiện diện với lòng trìu mến và thương cảm.
Như trong tất cả các trình thuật về hiện ra, chẳng hạn trình thuật về Maria Mác-đa-la và trình thuật Emmau, Đấng Phục Sinh cho nhận ra, thì người ta mới nhận ra. Ở đây, Đấng Phục Sinh cho các môn đệ đang mệt mỏi và thất vọng nhận ra Ngài bằng cách lên tiếng. Chúa cũng lên tiếng với chúng ta hằng ngày đấy thôi. Câu hỏi của Chúa là một câu hỏi thương cảm: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Một lòng thương cảm rất tinh tế và cụ thể, vì trước khi các môn đệ đem cá bắt được vào bờ, Đức Giêsu phục sinh đã chuẩn bị sẵn “than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Chắc Chúa dự kiến nếu chẳng may thả lưới lần cuối bên phải mạn thuyền cũng không bắt được gì!
Khi làm theo Lời của Chúa, thì sẽ đạt được kết quả “viên mãn” như thế đó: “lưới đầy những cá”. Chúng ta cũng có kinh nghiệm này rồi. Chính kết quả viên mãn này làm cho “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” nhận ra Chúa: “Chúa đó!” Nhưng còn có một kinh nghiệm thiết thân hơn làm cho môn đệ này nhận ra Đấng Phục Sinh. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, chúng ta biết chắc đó là vị tông đồ Gioan; nhưng vị tông đồ này lại thích xưng mình như thế. Điều này có nghĩa là ai trong chúng ta cũng được mời gọi nhận ra mình là” Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, dù chúng ta có như thế nào. Chính kinh nghiệm “được thương mến” làm Gioan tin Thầy mình đã sống lại, và bây giờ kinh nghiệm này làm cho Gioan nhận ra “Chúa đó”, vẫn luôn hiện diện hướng dẫn mình, hướng dẫn nhóm của mình. Xin cho chúng ta có được sự nhạy bén thiêng liêng như “người môn đệ được Chúa thương mến”, để qua mỗi ngày sống, chúng ta có thể nói: “Chúa đó”.
Hình ảnh của tông đồ Phêrô cũng rất tuyệt vời và thật đúng với cá tính của ông: biết được đó là Chúa, thì bỏ hết, cả thuyền, cả cá, rồi nhảy ùm xuống biển đầy hiểm nguy để đến gặp gỡ Thầy. Điều này làm chúng ta nhớ lại biết bao điều về ông; tí nữa, sau bữa ăn, Chúa còn nhắc khéo thêm một vài chuyện! Theo Chúa là như thế, mình vẫn là mình, chỉ cần mến Chúa thôi.
3. “Các con đến mà ăn” (c. 9-14)
Chúng ta hãy hiện diện thật cụ thể trong bữa ăn sáng rất “thơ mộng” ngay ở bãi biển này, bữa ăn của Chúa, nhưng có phần đóng góp của các môn đệ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Nhưng phần đóng góp của các ông cũng vẫn là ân huệ.
Chúng ta hãy nhìn ngắm mọi người đang loay hoay. Ông Phêrô vừa nãy bộp chộp nhảy khỏi thuyền, bây giờ nghe lời Thầy, lại leo lên thuyền đem cá lên bờ (c. 11). Trong trình thuật này, ông Phêrô được “ưu ái” đặc biệt, từ đầu đến cuối và nhất là trong những thời điểm quan trọng của cuộc gặp gỡ. Nhưng chúng ta hãy cùng với các môn đệ nhìn ngắm Đức Giêsu. Có lẽ các ông, tay chân lăng xăng, nhưng mắt chỉ hướng về Thầy thôi: “Họ biết chắc rằng đó là Chúa”. Thầy làm hết mọi sự: có mặt thật sớm, sắp xếp, chuẩn bị bữa ăn, điều động mọi người và cả phục vụ bữa ăn nữa: “Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”. Đúng như Thầy đã nói: “Thầy đến để phục vụ”, và sẽ mãi mãi là như thế, đặc biệt là nơi bí tích Thánh Thể. Và đây cũng là cử chỉ đặc trưng nhất của Đức Giê-su, cử chỉ “trao bánh”, bánh hằng ngày và Bánh Hằng Sống. Cứ nhìn thấy, là người ta có thể chắc chắn là “Chúa đó”.
Chúng ta hãy lắng nghe: chỉ có Chúa nói thôi, nhưng chắc chắn có nhiều trao đổi nho nhỏ giữa các môn đệ; chúng ta cố lắng nghe cả tiếng lòng nữa. Chúng ta hãy hít mũi, để cảm nhận mùi của biển, của gió, của dụng cụ đánh cá, của mồ hôi nhễ nhãi, của cá tươi, của khói than hồng, và nhất là mùi thơm của bánh nướng và cá nướng. Tất cả làm nên hương thơm của buổi họp mặt, tất cả được hòa vào trong Hương Thơm của Đấng Phục Sinh.
Chúng ta hãy tham gia dọn bữa, nhưng nhất là đón lấy những gì Thầy trao, trao tận tay; và để cho những cảm xúc trào vọt ra từ đáy lòng. Và chúng ta hãy thưởng thức, thưởng thức bánh và cá. Nhưng nhất là thưởng thức lòng trìu mến Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình, cho mỗi người chúng ta.
*  *  *
Một bữa ăn như thế, Chúa vẫn ban cho chúng ta hằng ngày; nhưng chúng ta dường như chưa chịu nhìn, nghe, ngửi, đụng và thưởng thức với tất cả con người của chúng ta; chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa bằng ngũ quan của mình trong các bữa ăn: trong bữa tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa; trong những bữa ăn hằng ngày và nhất là trong những bữa ăn đặc biệt.
Nếu chúng ta nhận ra Chúa hiện diện giữa chúng ta, bầu khí nhóm và cộng đoàn của chúng ta cũng sẽ ấm cúng như thế. Những bữa ăn như thế cứ lặp đi lập lại hàng ngày, hàng năm, để làm cho chúng ta hy vọng một Bữa Ăn ở đó chúng ta quây quần bên Chúa và bên nhau mãi mãi và trong niềm vui khôn tả.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét