CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
I. BÀI TIN MỪNG: Mt 2, 1-12
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
MỖI NGƯỜI LÀ ÁNH SAO CHO THA NHÂN GẶP CHÚA
Nếu như lễ Giáng Sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt với những người Do Thái qua các người chăn chiên, thì lễ Hiển Linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại qua mấy nhà đạo sĩ. Những hình ảnh đại diện cho Do Thái hay dân ngoại không phải xảy ra ở chốn vinh hoa quyền thế, cũng không phải nơi tấm lòng toan tính loại trừ, mà là hình ảnh của những mục đồng đơn sơ chất phát, và các đạo sĩ chân thành khát khao chân lý.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta 3 bài học:
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta 3 bài học:
1. Hành trình tìm gặp Thiên Chúa.
Thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia hay đạo sĩ thường nghiên cứu những chuyển động của các tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do Thái.
Thái độ của các đạo sĩ là thái độ của những người tìm kiếm, khắc khoải đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với chân lý, công lý và tình thương. Và chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên họ đã gặp.
Sự xuất hiện của ánh sao lạ, dẫn đường cho các đạo sĩ, gợi lại hình ảnh cột lửa dẫn dân Israel trong hành trình sa mạc tiến về Đất Hứa. Các đạo sĩ mò mẫm tìm kiếm chân lý cho đến khi tìm gặp được Đấng là Chân Lý trong hình hài của một Hài Nhi.
Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách, nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa, như lời Chúa hứa: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,8).
Vì Thiên Chúa là thực tại sống động, không phải thứ đồ vật tĩnh lặng có thể nắm được trong tay, nên chỉ có thể tìm kiếm và gặp được trong từng thời điểm, chứ không thể nắm bắt một lần cho mãi mãi.
Lại nữa, sự khát khao tìm gặp Thiên Chúa cần phải có sự chân thành, còn mọi toan tính loại trừ thì mãi mai xa Thiên Chúa và đi đến chỗ diệt vong. Giống như Hêrôđê, sau khi nghe tin Chúa Hài Nhi Giáng Sinh, ông cũng muốn tìm gặp, nhưng sự tìm gặp của ông chỉ nhằm để toan tính loại trừ, nên ông đã vĩnh viễn không bao giờ được gặp Ngài. Và ngôi sao một đàng là hy vọng, là niềm vui lớn cho mọi người thiện tâm như các đạo sĩ, lại nên điềm dữ báo nguy cho hạng người tàn ác như Hêrôđê.
2. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà lại không nhận ra.
Một chi tiết đặc biệt ở đây là: Các đạo sĩ đi theo ánh sáng của ngôi sao, nhưng phải vào hỏi các tư tế biết Thánh Kinh, được nghe họ đọc cho nghe, và họ theo lời Thánh Kinh đó để ra đi và ngôi sao xuất hiện đem họ đến Bêlem. Nghĩa là họ dùng đường lối tự nhiên để tìm kiếm Thiên Chúa, và trong khi tìm kiếm Thiên Chúa, họ còn tìm đến với những người trong “đạo” giảng cho họ Thánh Kinh, và từ đó họ xác định được nơi đến gặp Chúa. Dân ngoại nhờ đường lối tự nhiên đã khởi sự tìm ra Chúa; trong khi dân Do Thái có Thánh Kinh mà không biết đến Người. Nói đúng hơn, dân ngoại cũng phải nhờ người Do Thái công bố Thánh Kinh thì mới thành công trong việc đi theo đường lối tự nhiên, bởi vì ơn cứu độ bởi dân Do Thái mà đến. Nhưng dân này đọc Thánh Kinh mà không hiểu, đang khi chỉ một vài chỉ dẫn của Thánh Kinh đã giúp được dân ngoại lên đường gặp Chúa.
Các thượng tế và kinh sư Do Thái là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người có chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững những kiến thức thần học, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Giêsu đến, những hiểu biết rộng rãi và sâu xa của họ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc tìm gặp Ngài. Họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, vì Kinh Thánh cho biết như thế. Nhưng họ biết để mà biết, để mà dạy người khác, để mà tự hào rằng mình hiểu biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô ích cho họ.
Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống thực tế. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ.
3. Mỗi người là một ánh sao
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu Thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
Ánh sao thì phải toả sáng, toả sáng để soi lối dẫn đường, để mọi người nhận ra Chúa ở đâu mà tìm đến với Người. Chúa mời gọi chúng ta phải là “ánh sáng cho trần gian”, bằng đời sống chứng nhân của mình, mọi người sẽ nhận ra Chúa đang thực sự hiện diện trong chúng ta mà trở về với Người.
Ước gì sau khi cử hành lễ Hiển Linh hôm nay, mọi người cùng bừng sáng lên như ánh sao, tức là có nếp sống tốt đẹp hơn, để soi sáng cho người khác biết Chúa, cùng đọc thấy ý Chúa nơi mọi sự việc xảy đến hằng ngày.
Ngôi sao ấy biểu trưng cho ánh sáng, ân sủng và tác động của Thiên Chúa trong tâm trí con người và hướng dẫn họ tìm đến Đức Kitô.
Chúng ta có thể thấy ngôi sao dẫn đường trong giáo lý và trong các bí tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu.
Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.
Chúng ta có thể thấy ngôi sao dẫn đường trong giáo lý và trong các bí tích của Hội Thánh, trong các dấu chỉ thời đại, trong các lời khuyên dạy tốt lành… Nói cách khác, trong cuộc đời của chúng ta, có những ân sủng Thiên Chúa ban để hướng chúng ta tìm gặp Đức Giêsu.
Vấn đề là chúng ta có để cho ân sủng đó dẫn mình đến nơi hay không.
Ba nhà đạo sĩ sau khi gặp được Chúa, họ không quay lại với Hêrôđê nữa, mà đi đường khác để trở về xứ sở.
Lạy Chúa Giê-su,
hôm nay con đến gặp Chúa, xin đừng để con quay trở lại đường xưa lối cũ đầy toan tính hận thù và hãm hại nhau của Hêrôđê, nhưng xin Chúa cho con bước đi tên con đường mới của Chúa. Amen.
Hiền Lâm
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét