THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
I. BÀI TIN MỪNG: Ga 3,22-30
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.
Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gio-an và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." Ông Gio-an trả lời: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
Ngay từ Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư, tác giả Tin Mừng đã giới thiệu về Gioan Tiền Hô rằng: “Có một người được sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,6-9).
Lời giới thiệu này khẳng định rõ nét vai trò của Đấng Tiền Hô, Gioan đến để làm chứng cho Ánh Sáng chứ ông không phải là Ánh Sáng, mà Ngôi Lời mới là Ánh Sáng thật.
Để rồi trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan Tiền Hô lại khiêm tốn xác nhận: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.
Cũng như sao mai báo hiệu cho Vầng Đông xuất hiện, khi Vầng Đông mọc lên thì sao mai tự động biến mất. Một người lính đến thông báo cho dân biết Vua sắp đi qua để họ chuẩn bị, khi vua đến thì Vua mới là đối tượng chính mà dân đón chứ không còn là anh lính kia nữa. Gioan chỉ là Đấng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và khi Chúa Giêsu đến thì vai trò của Tiền Hô đã hoàn tất.
Tuy nhiên, với những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải cảm phục sự “thánh thiện và cao cả” của Gioan Tiền Hô. Bởi vì dân chúng ai nấy lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài. Nên ngài có lý do để khẳng định mình, có lý do để bảo vệ vị thế của mình… Nhưng không, ngài rất bình tĩnh trước dư luận, khi nghe những lời dèm pha đâm thọc của người khác, rất bình an khi các môn đệ cho biết có người khác vượt trội hơn mình và có ảnh hưởng hơn mình, biết ơn gọi của mình, khiêm tốn đón nhận và chu toàn bổn phận của mình. Có lẽ ông được Chúa Giêsu khen là “người cao trọng” là ở những đặc điểm này.
Chúng ta hãy nghe lời dạy của thánh Gioan Tiền Hô dành cho môn đệ:
1. “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho”
Mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa.
Thánh Gioan không lôi kéo đệ tử cho mình mà còn giới thiệu môn đệ đến cho Chúa. Ngài ý thức vai trò và sứ vụ là đi trước chuẩn bị cho Chúa đến. Ngài ý thức giai đoạn của ngài là gì trong chương trình của Chúa.
Còn chúng ta (cả đời lẫn đạo), không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao công việc cho người khác. “Đấng” này khi phải thuyên chuyển để cho “vị” khác đến phục vụ thật khó biết bao, nhất là tìm cách áp đặt chủ trương và công trình của mình lên người tiếp nối.
Thánh Gioan Tiền Hô đã không ghanh tỵ khi nghe biết có người cũng đang làm phép rửa như mình, và lại là Đấng mình đã từng làm phép rửa cho.
Còn chúng ta, nếu có ai đó đang làm công việc như mình, hay trổi vượt hoặc có ảnh hưởng hơn mình thì lẽ ra phải biết rằng mỗi người đều có một biệt tài riêng, một năng khiếu riêng; mỗi người đều được đặt ở một vị trí riêng nhau… thì chúng ta lại rất dễ tự ái, cảm thấy bị xúc phạm, ganh tị, gièm pha, so bì lẫn nhau, thậm chí trả đũa và triệt hạ nhau.
2. “Ai cưới vợ, thì người ấy là chồng”
Lời khẳng định thứ hai của thánh Gioan Tiền Hô với các môn đệ của ngài là: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”
Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Có khi khoe khoang và kể về công trạng của mình cho người khác khen ngợi. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên.
Lắm khi tưởng chừng như chúng ta làm việc nọ việc kia, giảng thật hay, xả thân phục vụ, làm từ thiện, xây dựng công trình nọ công trình kia, đóng góp cho Nhà Chúa nơi này nơi nọ… nhưng thật sự lại ngầm ý để được người đời ca tụng, thích thú vì những lời khen tặng và coi như công trạng của mình. Để rồi thay vì Chúa được vinh danh thì mình được vinh danh; thay vì Chúa được mọi người biết đến thì thì “đấng này”, “đại ân nhân nọ” được tri ân, được khắc tên và được lưu danh… Cuối cùng thì “Chúa phải mất hút vì tôi mới là quan trọng”.
Hãy nhớ rằng, Chúa mới là “chồng”, Hội Thánh địa phương hay hoàn vũ và riêng từng người là hiền thê (vợ) của Chúa trong tình yêu Giêsu; còn những ai được Chúa sai đến chỉ là “phù rể”, mà phù rể thì lo chuẩn bị cho người ta đón chú rể đến, và vui mừng khi chú rể gặp được “cô dâu”, chứ không phải mình dành vị trí của chú rể.
Việc này không nhắm đến riêng ai mà là đến hết mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta không tự hào vì những gì mình đóng góp cho việc Chúa vì đó là bổn phận và lòng yêu mến Chúa đòi hỏi, nhưng hãy tự hào và vui mừng vì Chúa được vinh danh và được nhiều người biết đến.
Lời cuối cùng mà thánh Gioan nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay, và cũng là lời tóm gọn sứ điệp cả bài Tin Mừng mà Chúa muốn dạy chúng ta: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Vâng, chúng ta cần khiêm tốn ý thức chỗ đứng của mình trong chương trình của Chúa, để Chúa được vinh danh trong công việc của chúng ta.
Đặc biệt, cá tính và đam mê của chúng ta phải nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng ta; còn nếu trong tâm hồn chúng ta cao ngạo, ngổn ngang mọi thứ đam mê, ước vọng vật chất phình to lấp đầy, thì Chúa sẽ không còn chỗ để hiển ngự với chúng ta được.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thới dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, nhờ vào những phương thế phát sinh từ Ơn Cứu Chuộc viên mãn của Ngài. Amen.
Hiền Lâm
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét