SUY NIỆM TIN MỪNG
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Chúa nhật I Thường niên B
Kính thưa công đoàn!
Hoạt động công khai của Đức Giêsu bắt đầu với việc Ngài nhận phép Rửa từ ông
Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan. Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại sự kiện này.Trước hết phép Rửa của ông Gioan bao gồm việc xưng thú, từ bỏ tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới. Nghi thức thực sự của phép Rửa biểu tượng cho điều này. Một mặt, việc nhận chìm vào trong nước là biểu tượng cho sự chết, gợi nhớ lại sự chết chóc thuộc về quyền năng tiêu huỷ và tàn phá của dòng. Lý trí thời xưa quan niệm đại dương như sự đe doạ thường xuyên cho con người và vũ trụ, trận đại hồng thuỷ được mô tả trong sách Sáng thế là một ví dụ ; nhưng mặt khác, nước cũng là nguyên lý, và là nguồn mạch của sự sống, ở đâu có nước thì ở đó sự sống mới tồn tại. Dòng sông Giođan cũng có thể nhận lấy giá tri biểu tượng này cho những ai được nhận chìm trong đó để được chết đi cho tội lỗi của mình, được thanh tẩy, được giải thoát khỏi nhơ bẩn của quá khứ , của tội lỗi đè nặng và bóp méo sự sống, đồng thời khởi đầu cho một cuộc tái sinh
Như vậy, dòng sông Giođan vừa là nơi con người ta chết đi cho tội lỗi của mình khi được dìm vào trong đó, vừa là nơi con người khởi đầu một cuộc sống mới sau khi đã được thanh tẩy bởi dòng nước qua phép rửa của ông Gioan.
Thế nhưng Đức Giêsu có thể làm những điều này hay không? Làm sao Người có thể xưng thú tội lỗi với ông Gioan? (xưng tội) Một Đấng Thiên Sai từ trời tại sao lại để cho một phàm nhân rửa tội cho mình? Và Ngài phạm tội gì? Một vị Thiên Chúa mà có tội được chăng?
Trích đoạn Tin Mừng Marcô mà cộng mà cộng đoàn vừa nghe không trả lời được những câu hỏi này. Nhưng Tin Mừng Matthêu ghi lại cuộc tranh luận giữa vị Tẩy Giả Gioan với Đức Giêsu, bắt đầu với vấn nạn của ông Gioan: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14) Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Khi đó Gioan mới chiều theo ý Người” (Mt 3,15)
Không dễ gì giải mã được ý nghĩa của câu trả lời nghe như bí ẩn này. Nhưng chìa khóa ở đây là từ “công chính” (δικαιοσύνη). Đối với sách luật Torah “công chính” là hoàn toàn chấp nhận ý Thiên Chúa, mang lấy ách của Ngài. Dù không có sự chuẩn bị cho phép rửa của ông Gioan trong sách luật Torah, nhưng câu trả lời này của Đức Giêsu là con đường Ngài thừa nhận phép rửa như một cách diễn đạt về tiếng xin vâng vô hạn đối với thánh ý Thiên Chúa, chấp nhận vâng phục ách của Người. Người là Đấng vô tội, là con chiên vô tì vết nhưng đã tự nguyện bước xuống dòng sông Giođan để vâng phục Thiên Chúa và mang lấy ách của Người.
Như thế, trong một thế giới bị băng hoại bởi tội lỗi ngay từ thuở Ađam – tổ phụ con người phạm tội bất tuân, thì lời xin vâng ý Thiên Chúa cũng diễn tả sự lien đới với con người đã phạm tội nhưng khao khát sự công chính. Ý nghĩa này không nỗi bật cách trọn vẹn cho đến khi được nhìn nhận dưới ánh sáng của Thập giá và Phục sinh. Ở đây, người Kitô hữu nhận ra rằng Đức Giêsu đã gánh lấy mọi tỗi lỗi của con người bằng cách bước vào trong chỗ đứng của tội nhân. Phép rửa có nghĩa là chấp nhận cái chết vì tội lỗi nhân loại. Đức Giêsu đi xuống dòng nước để vào trong vực sâu của sự chết. Theo nghĩa này, phép Rửa có lien hệ sâu xa với cái chết của Đức Kitô trên thập giá, mà chính Gioan đã giới thiệu về Người: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Xóa tội trần gian là sứ vụ thiết yếu của Đức Giêsu khi bước vào lịch sử nhân loại. Nhưng tội của trần gian chỉ được xóa bỏ thực sự khi máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu đến giọt cuối cùng.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đi xuống dòng sông Giođan và kết thúc sứ vụ, Đức Giêsu bị treo mình lên thập giá trên ngọn đồi Calvariô. Khởi đầu sứ vụ là dòng sông và kết thúc là thập giá. Nếu như dòng sông Giođan là nơi đón nhận những kẻ phạm tội, thì thập giá là cái mà người ta dùng để xử tử những kẻ phạm pháp. Trên thực tế đối với người Do Thái, thập giá là “skandalos” nghĩa là “bẫy sập” hay “hòn đá gây vấp ngã” ; và tử thi tự nó đã là vật ô uế rồi, lại bị phơi bày giữa trời nữa thì quả là kẻ bị Chúa ruồng bỏ hay trừng phạt (x. Gl 3,13). Đó là quan niệm của người Do Thái. Với Hy lạp, tiêu chuẩn phán đoán chống lại thập giá là lý trí. Họ gọi thập giá là “moria” nghĩa là “sự điên dại”, dịch sát nghĩa là “nhạt nhẽo”, “vô vị”. Vì thế hơn là một sai lầm, nó là sự phỉ bang lương tri con người hay là sự điên rồ (1Cr 1,23). Nhưng Thiên Chúa đã dùng thập giá để cứu độ con người. Nơi thập giá, Đức Kitô đã tuôn đổ Thánh Thần là dỏng nước hằng sống từ cạnh sườn bị đâm thâu để sửa sạch tội lỗi con người. Nếu như dòng sông Giođan kia có giá trị thanh tẩy tội lỗi và chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, thì trên thập giá giòng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu Kitô có giá trị cứu độ toàn thể nhân loại. Cội nguồn và bản chất của Giáo hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu Kitô.
Thưa cộng đoàn! Thiên Chúa mà những người Kitô hữu đang tôn thờ không phải là một vị Thiên Chúa do con người ta tưởng tượng ra như Mark quan niệm. Nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa đã đứng vào vị trí của tội nhân trên dòng sông Giođan để hòa mình với dòng chảy của phận người. Dù biết rằng dòng đời không êm ái như dòng sông, nhưng sự đi xuống này mang một chiều kích căn bản, đó là: chỉ làm như thế mới có thể lôi kéo con người lên khỏi vực thẳm của tội lỗi và sự chết do nguyên tổ gây ra. Mặt khác, trên thực tế, Đức Giêsu đã cúi xuống và đụng chạm đến từng mảnh đời cụ thể, cho dù là rách nát, tê liệt hay tội lỗi, để an ủi, để chữa lành và giải thoát họ. Những lời rao giảng của Người không chỉ để khai mở cho lý trí nhận biết về nước trời mà đó còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường.
Ngày hôm nay, sứ mạng của Giáo hội là tập họp những người nghèo khổ, neo đơn, bất hạnh, khốn cùng, cho một mục đích là bẻ bánh, phân phát, chia sẻ của ăn. Giáo hội như là “lương thực của người nghèo”, nơi mà người nghèo trở thành chi thể của các hành động Giáo hội. Người Kitô hữu được mời gọi đi vào dòng đời để mang sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại, rao giảng về một Đấng đã hy sinh mạng sống mình chỉ vì yêu thương con người.
Lm.
Đaminh Tạ Văn Tịnh, OP.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét