LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - Năm B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,7-11
Ông Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."
II. SUY NIỆM
Rất nhiều bài giảng, chia sẻ hoặc suy niệm tuyệt hay về hai ý nghĩa: Chúa không có tội nhưng chịu phép rửa thống hối thay cho nhân loại, và Chúa chịu phép rửa không phải để thanh tẩy mình mà là để thanh tẩy dòng nước. Rất tuyệt vời, nhưng hơi khó hiểu “tác dụng ngược” cho Thần Học Bí Tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu lập ra sau này, bởi Bí Tích là qua dấu chỉ bề ngoài để thông ơn cho kẻ lãnh nhận, chứ đâu phải ngược lại thụ nhân lại ban ơn ngược cho Bí Tích. Dù Phép Rửa của Gioan chỉ là hình bóng của Phép Rửa Kitô giáo, nhưng tại sao Chúa Giêsu làm “ngược lại”?
Vì thế, người viết đoạn chia sẻ này chỉ dám bàn đến 2 điểm nhỏ sau đây thôi:
1. Một sự nhập thể trọn vẹn hay khởi đầu cho cuộc nhập thế ?
Con Thiên Chúa đi vào đời, sinh vào một quốc gia và một thể chế Tôn Giáo, nhất là đất nước và tôn giáo đóng vai trò khởi đầu ơn cứu độ, thì đương nhiên nhập gia tuỳ tục. Chúa Giêsu nhập thể và nhập thể cách trọn vẹn khi Ngài mang lấy một thân phận con người, sinh ra nơi một gia đình, giữ mọi tập tục lễ nghi. Dù Phép Rửa của Gioan lúc này chỉ là một sự sám hối không có trong lề luật, nhưng trong lúc này từ Pharisiêu đến người nô lệ đều tin và kéo đến lãnh nhận, thiết nghĩ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ít là để làm gương, đồng thời chuyển tải một sứ điệp là bất cứ ai muốn đón nhận Nước Trời, đều phải bắt đầu bằng việc sám hối. Đó là sứ điệp chung mà Gioan Tiền Hô cũng như Chúa Giêsu bắt đầu trong Lời Rao Giảng đầu tiên (kégysma): “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần” (Mt 4,17).
Đặc biệt trong Tin Mừng Mát-thêu sau khi Gioan không dám làm phép rửa cho Chúa Giêsu, thì Người nói: “Vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế” (Mt 3,15). Câu này là Chúa nói rõ ràng chứ không phải ai bịa ra, Người muốn chu toàn bổn phận chứ không phải Người nói với Gioan là “rửa cho tôi để tôi thanh tẩy nước”, hoặc “rửa giùm tôi vì tôi chịu phép thay cho nhân loại”.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là trong ngày khởi đầu sứ vụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho nhiều người thấy sự chứng thực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một khẳng định về thiên tính trong Ba Ngôi của Người, và Gioan cũng vui mừng vì được chứng thực Đấng mình loan báo đã đến và sứ vụ của ông hoàn tất.
Như vậy, sứ điệp mà Chúa muốn mỗi chúng ta hôm nay là sống tinh thần nhập thế, khởi đầu để đón nhận một sứ vụ gì đều cần phải sám hối vì thân phận con người của mình. Đồng thời sống tinh thần nhập thế, là nhập gia tuỳ tục, hoà mình vào cảnh sống của cộng đoàn ta đang sống, hoà mình với hoàn cảnh nơi ta được sai đến, hoà đồng chứ không bị hoà tan; noi gương Chúa Giêsu, trở nên một người như mọi người để cứu độ muôn người.
2. Ý nghĩa tích cực của Bí Tích Rửa Tội.
Trong buổi gặp gỡ các khách hành hương ngày 8 tháng giêng năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hỏi rằng: "Ai trong các bạn còn nhớ ngày mình được rửa tội thì giơ tay lên. Ai còn nhớ?" Hàng ngàn người mà không ai nhớ cả. Có lẽ mọi người chúng ta cũng thế, chúng ta ghi nhớ những ngày được vào hội đoàn này tổ chức nọ, được làm chức này việc nọ… rồi kỷ niệm 10 năm, ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh… Nhưng lại ít ai nhớ ngày mình được “làm Con Chúa” và “làm con Hội Thánh”, được gia nhập “Nước Trời”.
Nhiều và rất nhiều người khi nghe đến việc chịu Phép Rửa Tội là nghĩ ngay đến chuyện được tha tội nguyên tổ (và tội riêng ta phạm), nghĩ theo cách này không sai chút nào nhưng có vẻ tiêu cực. chúng ta đọc lại Giáo Lý Công Giáo số 1213 và 1279 dạy rằng “…Bí Tích Rửa Tội tái sinh chúng ta trong ơn thánh, phục hồi cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa, được gia nhập vào Hội Thánh…”. Như thế, Bí Tích Rửa Tội trước hết là một sự phục hồi ơn siêu nhiên đã mất bởi nguyên tổ, rồi tái sinh chúng ta nên người mới, được làm con Thiên Chúa và là em của Chúa Giêsu. Hiểu theo cách tích cực, Bí Tích Rửa tội không chỉ là phục hồi lại tình trạng nguyên thuỷ, mà còn nâng con người lên một địa vị cao hơn, được gọi Thiên Chúa là Cha và làm “con người mới” nên một chi thể trong Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giê-su,
Nhân ngày mừng Lễ Chúa Chịu Chịu Phép Rửa hôm nay, xin cho chúng con ý thức hơn về ơn gọi làm Kitô hữu của mình, để chúng sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.
HiềnLâm
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét