Tìm kiếm - Search


27 thg 10, 2014

Gợi ý Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần XXX Thường niên

GỢI Ý SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN năm A 

Không thiếu những lúc chúng ta nhân danh luật để buộc người khác phải trả giá, nhưng lại không có lòng yêu mến và sự chân thành dành cho nhau…



I.  BÀI TIN MỪNG: Lc 13,10-17
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "17Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

II. GỢI Ý SUY NIỆM
Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ - kinh sư - biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

Hôm nay, trên môi miệng đầy tức tối của ông trưởng Hội đường: “"Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! ".  Có lẽ ông này rất nhiệt thành với lề luật, nhưng chính vì vụ luật theo hình thức mà quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, sẵn sàng để người khác đau khổ chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Ông trưởng Hội đường Do-thái, chắc chắn là một biệt phái, vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Cũng như các biệt phái, ông trưởng Hội đường xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý ông mà thưởng công cho ông. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do Thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi - tiếp tục hát thánh ca.
Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với biệt phái – Pharisieu là sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, sẵn sàng bỏ rơi một con người bệnh tật đau khổ đã 18 năm, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người.
Có lẽ đôi lúc chúng ta cũng vậy, chúng ta thích lách luật miễn là có lợi cho chúng ta, bất chấp hậu quả làm hại đến tha nhân. Lắm khi chúng ta chỉ chăm chăm đến một điều được quy định máy móc mà làm hại đến đức công bình và bác ái. Không thiếu những lúc chúng ta nhân danh luật để buộc người khác phải trả giá, nhưng lại không có lòng yêu mến và sự chân thành dành cho nhau…
Đối với người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế  bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
-  Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
-  Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
-  Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

Lạy Chúa Giêsu,
mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương; xin cũng giúp chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.

Hiền Lâm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét