Tìm kiếm - Search


16 thg 10, 2014

Truyền Giáo - Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường niên (lễ Truyền Giáo)

TRUYỀN GIÁO


Truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Vì ra khỏi nhà dễ hơn ra khỏi mình.

Những quan niệm sai

- Hai tiếng truyền giáo cách chung còn xa lạ với nhiều người. Vì cho rằng truyền giáo là việc của đức Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục và tu sĩ.

- Truyền giáo ư? Trình độ giáo lý thì kém, đức tin lại yếu, tôi không có khả năng soạn bài, giảng dạy, thuyết trình, rồi cũng chẳng quy tụ được nhiều người đến để nghe. Là dân thường nên ai chịu nghe tôi. Vì thế làm gì dám nghĩ đến chuyện truyền với giáo.



- Truyền giáo là ra khỏi nhà cửa, xứ sở, quê hương đất nước để giới thiệu Chúa Kitô. Nếu vậy, tôi sinh ra, lớn lên, ăn đời ở kiếp nơi đây thì không phải làm việc ấy, ai đi ra khỏi xứ thì mới cần. Như thánh Têrêsa hài đồng Giêsu chỉ sống trong dòng kín thôi, vậy mà ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, thế nên tôi cũng chỉ ở nhà là được, không cần đi đâu hết.

- Mẹ Têrêsa Caculta suốt ngày có mặt nơi phố chợ để tìm kiếm và lo cho người nghèo, những người xấu số, vì vậy tôi cũng không cần phải ở nhà với gia đình, nhưng ở…ngoài đường cũng tốt.

Những quan niệm đúng

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nên ai đã gia nhập vào Giáo hội qua bí tích rửa tội thì cũng mang trong mình bản chất ấy. Bản chất truyền giáo, giới thiệu Chúa Kitô cho người khác. Vì thế, tất cả những ai là công dân nước Chúa thì đều có bổn phận và trách nhiệm loan báo Tin Mừng.

Giống như báo hiếu mẹ cha, đây không phải là chuyện nhiệm ý, làm hay không tuỳ thích. Nhưng báo hiếu là trách nhiệm và là bổn phận của con cái đối với các ngài. Truyền giáo cũng thế, đây là việc phải làm của mọi thành phần dân Chúa, chứ không phải là chuyện của riêng ai, giáo dân hay nhà tu. Một mặt để chúc tụng tạ ơn Chúa, một mặt để báo hiếu Ngài. Vì vậy, nói cho người khác biết về Thiên Chúa là Cha tốt lành của mình là việc hãnh diện cần làm. Cha hãnh diện về con, con hãnh diện về cha. Điều tốt lành này cần phải giới thiệu cho cả thế giới biết.

Quả thật, có kiến thức, nhiều khả năng hỗ trợ cho công việc rất nhiều. Nhưng điều quan trọng thì “Truyền giáo là vấn đề của tình yêu”. Vì thế, tình yêu phải là điều kiện đầu tiên để bắt đầu cho hành trình này. Nhìn các tông đồ thời sơ khai mà xem, các ông khởi sự bằng việc kể lại câu chuyện tình yêu của một Đấng mà họ đã nghe, đã nhìn, cùng ăn cùng sống và Ngài đã chịu chết cho nhân loại.

Chỉ thế thôi, vậy mà biết bao người đã tin theo. Họ không nghe theo vì lời lẽ bóng bảy hoa mỹ hay bởi khả năng hùng biện cá nhân nơi các tông đồ, nhưng là sức mạnh của lòng tin. Lòng tin này trở thành bằng chứng mạnh mẽ khi họ chấp nhận chịu mọi thứ gian khổ, tù đày, phỉ báng, thiệt thân vì Đấng họ đang nói.

Như vậy, truyền giáo, đơn giản và dễ hiểu là ta kể lại kinh nghiệm tình yêu, kinh nghiệm sống sống đạo, kể lại những cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa cho người khác. Đơn giản như thế thì ai cũng có thể làm được và làm tốt.

Truyền giáo là chuyện của những người đi xa, ra khỏi xứ chứ tôi có đi đâu đâu. Nếu quan niệm như thế thì ta đang dần đóng khung lại với bầu trời tình yêu mà Chúa đã dành cho con người. Vì ta được sinh ra để sống với, sống cùng mọi người. Qua vũ trụ thiên nhiên, qua con người, ta dần nhận ra con người thật của mình, nhận ra nhau, nhận ra Chúa. Vì vậy, việc ra đi và đến với là điều cần thiết để nhìn thấy hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa đang sống và hoạt động nơi các thụ tạo của Ngài.

Nếu cứ ở suốt ngày ngoài đường thì gọi là truyền giáo, là giống mẹ Têrêsa thì lầm to. Bác ái không có nghĩa là bỏ bê trách nhiệm. Truyền giáo không phải là không chu toàn bổn phận. Bởi ta được mời gọi để sống trong cộng đoàn cụ thể. Cộng đoàn tu trì hay gia đình. Vì thể không thể nói là mọi người tự lo lấy, còn tôi thì lo đại sự ở đường phố. Vì thế, lửa nhiệt thành truyền giáo nhiều đến đâu thì cũng không loại trừ việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận tuỳ theo ơn gọi Chúa đã trao.

Như vậy, ra khỏi nhà để truyền giáo xem ra vẫn dễ. Khó hơn, truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Cứ ở với Ngài, rồi Ngài muốn ta nói gì, hành động động ra sao, với ai, ở đâu thì ta làm theo như vậy. Vâng Lời Thầy con thả lưới là điều tốt nhất.

Mẹ Têrêsa Caculta và truyền giáo

Nhiều người cho là mẹ chỉ ăn rồi lo chuyện đường phố. Thực tế thì khác. Mẹ luôn sống với Chúa trước khi hành động. Cụ thể là:

. Cầu nguyện. Mẹ liên lỉ cầu nguyện. Vì Thiên Chúa là niềm khát khao của mẹ. Chính cầu nguyện đã đưa dẫn mẹ đến phục vụ những người bất hạnh, nghèo khổ.

. Suy gẫm Lời Chúa. Chẳng những cầu nguyện, mẹ luôn gắn bó với Lời Hằng sống. Và Lời Chúa đúng là đèn soi dẫn lối chỉ đường cho mẹ biết cần phải làm gì, nói gì, vớ ai và ở đâu. Lời Chúa đã đi vào đời sống, đi vào nhịp đập, vào máu huyết, vào hơi thở của mẹ. Lời Chúa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của mẹ.

. Yêu mến người nghèo và phục vụ tha nhân. Không phải là thương hại. Nhưng là thương thật lòng. Đời sống nghèo là bằng chứng mẹ chia sẻ cuộc sống cơ cực bần hàn của đồng loại. Nên việc phục vụ này không phải vì danh tiếng bề ngoài để người đời ca tụng, mà tất cả vì tình yêu Chúa. Mẹ coi mọi việc phục vụ ấy là việc phục vụ chính Chúa. Rồi còn coi đây là bổn phận phải làm. Bổn phận phải yêu thương đồng loại như chính Chúa đã yêu mến mẹ. Tình yêu này mẹ đã thấu hiểu và cảm nhận được qua đời sống cầu nguyện, suy gẫm, chầu thánh thể.

. Hành động. Mẹ nói: Lời Chúa phải nằm ở đầu các ngón tay. Quả đúng như vậy, bàn tay mẹ tuy gân guốc, gầy gò xấu xí, nhưng lại có một sức mạnh tuyệt vời. Là khi chạm đến ai, người đó nhận được tình thương và lòng thương cảm của mẹ. Có người nói: đời tôi đã phải sống như một con chó, nhưng có mẹ, tôi hạnh phúc như là thiên thần.

Xét mình

Mỗi người đều có thể trở thành những nhà truyền giáo tốt khi chấp nhận để Chúa hướng dẫn đời mình. Truyền giáo là vấn đề của tình yêu, nên việc giới thiệu này không phải là nói về mình, về sự khôn ngoan của người đời. Nếu chỉ có thế, ta sẽ bị thánh Phaolô chê trách và coi những việc làm ấy là những tiếng trống chiêng phèng la ầm ĩ giữa phố chợ, mà không có chất lượng, rỗng tuyếch.

Giáo hội luôn có nhiều điều kiện tốt để ta chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Như thánh lễ, chầu thánh thể, suy gẫm Lời Chúa, chuỗi mân côi…

Ta có sống với Chúa chưa? Có yêu mến cầu nguyện, say yêu Lời Chúa, viếng Thánh Thể.

Ta có yêu mến người nghèo như Chúa đã yêu thương ta không.

Lý do nào ta chưa thể yêu họ: nghèo hay giàu, xấu hay đẹp, giỏi hay dốt?

Hãy cùng cấu nguyện, xin Chúa để mỗi người đều có thể phấn đấu, quyết tâm ra khỏi nhà, khỏi cổng, khỏi xứ đạo để mang Chúa đến cho mọi người. Cùng chia sẻ cuộc sống buồn vui với người nghèo, đơn giản vì họ là người.

Hãy yêu mến người nghèo, không phải vì họ nghèo, nhưng vì họ là người.
Thanh Thanh.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét