Tìm kiếm - Search


3 thg 11, 2014

Gợi ý Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần XXXI Thường niên A

GỢI Ý SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
I. BÀI TIN MỪNG: Lc 14,12-14
12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Chúa Giêsu dạy: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại". 

Người dân Sài thành thường nói vui với nhau rằng, Bắc có 4 mùa xuân hạ thu đông, thì Nam có 3 mùa là mùa nắng mùa mưa và “mùa cưới”. Đứa nào có chút máu mặt, thấy có vẻ “nhiều gạo” thì bị mời cho sạt nghiệp luôn.

Thật sự mà nói, thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép để bắt con tôm, thả con săn sắt bắt con cá rô” hoặc: “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua…

Điều này cũng chẳng mới mẻ gì, cái việc “thấy sang bắt quàng làm họ”, nó có từ thởi ngày xửa ngày xưa. Thánh Giacôbê Tông Đồ cũng đã nói lên thực trạng này của người đương thời: Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó! " hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây! ", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?... Nếu anh em đối xử thiên tư, thì anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm” (x. Gc 2,1-9).

Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra thì luôn muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Kitô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là đã được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa nữa cả…

Tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giêsu đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công. 

Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết sống quảng đại với hết mọi người, biết cho đi mà không tính toán hay mong chờ phần thưởng đời này, để tất cả mọi việc chúng con làm hầu cho vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Amen.

Hiền Lâm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét