GỢI Ý SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta
cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ
không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.
THỨ NĂM TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
I. BÀI TIN MỪNG: Lc 19,41-44
41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương42
mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình
an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không
thấy được.43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.44
Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn
đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được
Thiên Chúa viếng thăm."
II. GỢI Ý SUY NIỆM
Toàn bộ các
Tin Mừng, chỉ thấy nhắc tới hai lần Chúa Giêsu khóc, nhưng không phải
khóc cho chính Người lúc giáng sinh hay khi chịu tử nạn, mà là khóc cho
số kiếp của một người bạn (Lazarô) và khóc cho số phận của một dân thành
đã không nhận ra giờ Chúa viếng thăm.
Hôm nay khi
vừa nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy
trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào
Người.
Chúa Giêsu
đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do Thái thành
Giêrusalem, Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người
Do Thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên
Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người.
Người Do Thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng
thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu
chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.
Lịch sử dân
Do Thái được ghi lại trong toàn bộ Thánh Kinh là: Khi họ trung thành
tin tưởng vào Chúa thì họ được an cư lạc nghiệp, và ngược lại, lúc họ bỏ
Chúa thì tai ương ập đến và phải làm nô lệ cho ngoại bang. Những lần
dân Do Thái biết nghe lời các ngôn sứ mà quay trở về với Chúa thì Chúa
sẽ gửi một vị lãnh đạo đến giải thoát họ khỏi quân thù. Thế nhưng, giờ
này họ đang bị áp bức bởi đế quốc Rôma, Chúa Giêsu đến kêu gọi họ ăn năn
sám hối và tin vào sứ điệp Tin Mừng của Người, Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu
rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.
Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi. Tuy nhiên,
những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem không những từ chối, mà còn
xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh
Chúa vào thập giá. Chính vì sự khước từ của họ, nên vào năm 70 thành
thánh Giêrusalem đã bị Rôma phá hủy bình địa và dân Do Thái tản mác khắp
địa cầu.
Ngày nay
người Do Thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem
để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia
như họ muốn. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ
thì họ đã chối từ và xử tử ! Tại vì họ đã không nhận biết giờ họ được
Chúa viếng thăm.
Ðiều xảy ra
cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi
người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn
lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây
phút Người thực hiện lòng nhân từ. Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm
của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được
Người viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con
người sẽ mãi mãi mất đi cơ hội được hưởng lòng thương xót của Thiên
Chúa.
Giờ Chúa
viếng thăm bất kỳ lúc nào trong mọi biến cố xảy đến cho từng người, nên
cần sự tỉnh thức để nhận ra ý Chúa. Đặc biệt, như lần cuối cùng Chúa
Giêsu lên Giêrusalem xưa và dân Do Thái đã mất đi cơ hội cuối cùng, thì
này giờ Chúa viếng thăm cuối cùng trong cuộc đời dương thế của mỗi
người, nếu không đón nhận Người thì sẽ vĩnh viễn đi vào cõi diệt vong.
“Phải chi
ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Đó
cũng là lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay
các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi
ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt
ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.
Lạy
Chúa, Chúa đã khóc thương Giê-ru-sa-lem trước viễn tượng thành thánh bị
hoang tàn đổ nát. Xin cho con cũng biết thương cảm thân phận tội lỗi,
yếu hèn của chính mình mà đón nhận ân sủng của Chúa đã trao ban qua các
Bí tích và Hội Thánh của Người; nhờ đó con biết thật lòng ăn năn sám hối
và sống theo Tin Mừng của Chúa, để thời gian sống: ngày giờ năm tháng
có ý nghĩa hơn trong cuộc viếng thăm của Người. Amen.
Hiền Lâm
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét