Tìm kiếm - Search


28 thg 11, 2014

Suy niệm Tin Mừng thứ Sáu tuần XXXIV Thường niên A

THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN.

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 21,29-33
29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

 II. GỢI Ý SUY NIỆM

Ở Việt Nam, cây đâm chồi nảy lộc khi mùa xuân đến, hoặc lá vàng rơi cho biết mùa thu đã về. Cũng thế, dân Do-thái có kinh nghiệm khi cây vả đơm chồi thì mùa nóng bắt đầu. Chúa Giêsu dùng hình ảnh kinh nghiệm về chu kỳ thời gian của cây vả để liên tưởng đến thời gian của vũ trụ. Đồng thời, Người cũng so sánh sự mong manh của các thế hệ, so với lời Chúa tồn tại muôn đời. Lối nói về thời gian qua đi và sự tồn tại của Lời Chúa cần hiểu đúng theo quan niệm của Do-thái, ta mới thấy được sứ điệp hôm nay Chúa muốn nói gì:

- Thời gian theo người Do-thái
Không như cách tư duy theo lối Tây Phương, quan niệm thời gian như một thực tại có thể đo lường được bằng đồng hồ hay quyển lịch... Nhưng đối với người Do-thái, biết thời gian không phải là cho nó một thời biểu, mà biết thời gian được nói đến là thời gian nào: Đó là thời gian của tiếng cười hay thời gian khóc lóc, thời gian của hoà bình hay thời gian chiến tranh, thời gian để gieo hay thời gian để gặt…
“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vứt đi ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (x. Gv 3,1-8).

Giống như khi nói: “thời gian tốt”, thời gian xấu”, “thời kì tân tiến”, “thời kỳ khó khăn…” có nghĩa là đánh giá những gì xảy ra trong thời gian, đánh giá phẩm tính của kinh nghiệm con người chứa đựng trong đó.
Khi nghĩ đến lịch sử, người ta tìm lại quan niệm lượng số về thời gian. Riêng người Do-thái thời xưa không tự đặt mình vào một chỗ nhất định, mà phối trí các biến cố, địa điểm, các thời đại và thấy mình lưu thông trong đó. Nguyên tố duy nhất và độc nhất của biến cố đối với Do-thái là Thiên Chúa, vì Người là chủ lịch sử, là Đấng tổ chức thời gian: “… Một thời để ăn chay, một thời để nghỉ ngơi (năm Sabat), một thời để phán xét, một thời để cứu rỗi…” Cũng thế, như một đời người, có thời gian lệ thuộc, thời gian để tự lập và thời gian để an dưỡng. Nhưng trong tất cả, Thiên Chúa luôn là chủ vận mệnh.
Đặt trong bối ảnh bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự qua đi của thế hệ đương thời, tiên báo về một sự thay đổi toàn diện nước Do-thái sau biến cố xảy ra năm 70, nhưng cũng từ đó Lời Chúa được loan báo và tồn tại cho đến ngày nay.

- Lời Chúa tồn tại muôn đời.
“Thế hệ này qua đi trước khi những điều ấy xảy ra”. Đặt trong bối cảnh chương 21 Tin Mừng Luca nói về Giêrusalem. Đây là lời tiên báo về tương lai gần, chính những người đương thời đã chứng kiến cảnh nước mất nhà tan khi Giêrusalem bị người Rôma san phẳng.
Tuy nhiên, như đã nói, trong chương 21 này, hai sự kiện được lồng ghép với nhau, khi nói về sự sụp đổ của Giêrusalem, thì cũng liên tưởng đến biến cố cánh chung, nghĩa là khi “trời đất này sẽ qua đi”
“Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu”. Câu nói này của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, nói lên sự mong manh của yếu tố vật chất (trời đất) và sự bền vững của yếu tố tinh thần (Lời Chúa), khẳng định lời Chúa Giêsu nói phải được ứng nghiệm, dù thời gian có biến đổi qua bao thế hệ. Và thật đúng như vậy, trải qua hơn hai ngàn năm rồi, bao thế hệ đã đã qua đi, bao công trình đã sụp đổ và biến đổi, bao nền văn minh đã biến mất, nhưng Lời Chúa thì vẫn trước sau như một, được loan báo và tồn tại. Mỗi ngày Lời Chúa vẫn vang lên trên khắp các giáo đường, nơi mọi gia đình và mọi nẻo đường của các nhà truyền giáo. Thánh Kinh - bản văn Lời Chúa - vẫn có nhiều ấn bản nhất, nhiều người biết nhất và có thời gian phát hành lâu nhất so với tất cả mọi thứ sách vở khác.

Như vậy, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, hai bài học mà Chúa dạy chúng ta là:
• Nhận ra dấu chỉ của thời đại chúng ta đang sống để luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, dù chúng ta đang ở giai đoạn nào của đời người và đời sống, thì vẫn luôn đặt Thiên Chúa là chủ vận mệnh của cuộc đời và cuộc sống chúng ta.
• Tin vào lời Chúa và yêu mến Lời Chúa, vì rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng lời Chúa hứa với chúng ta sẽ không bao giờ mai một. Bởi Lời Chúa là sự thật, Thiên Chúa không thể dối trá vì người là Đấng Chân Thật. Hơn nữa, mọi lời Thánh Kinh đều được Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý linh hứng, nên sống theo Lời Chúa sẽ giúp chúng ta không bị sai lầm trong mọi lựa chọn của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con ý thức sự mong manh chóng qua của thế giới vật chất, để chúng con biết xác định và chọn lựa Chúa mới là vĩnh cửu và cùng đích của thế giới và của kiếp người. Amen.

Hiền Lâm.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét