Tìm kiếm - Search


17 thg 12, 2014

Gợi ý suy niệm Tin Mừng thứ năm tuần III mùa vọng



THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

Ngày 18 tháng 12

I. BÀI TIN MỪNG: Mt 1, 18-25
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
Suốt thời gian đầu Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhiều về một nhân vật tiền hô cho Chúa Giê-su là Gioan Tẩy Giả, hôm nay, trong những ngày cận kề Lễ Giáng Sinh, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đặc biệt là thánh cả Giu-se, là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su.
Tin Mừng diễn tả sự kiện trăn trở của thánh cả Giuse (người công chính) khi chưa nhận được lời giải thích từ sứ thần Chúa. Đồng thời, Tin Mừng cũng giới thiệu thánh Giuse là người cha “hợp pháp” trong gia đình Thánh Gia. 
Chúng ta cùng chia sẻ hai điểm:

1. Thánh Giuse – Người Công Chính.
Trong thời Cựu Ước, xuất hiện một vĩ nhân có tên là Giu-se (con của tổ phụ Gia-cóp, bị bán qua Ai-cập), người được mệnh danh là “người công chính” khi từ chối thoả mãn xác thịt với bà vợ của một vị quan trong triều đình, và chấp nhận án oan rồi bị tống giam; rồi sau khi giải mộng cho vua Pha-ra-ô, Giu-se được cất nhắc lên chức tể tướng và quản lý lương thực của Ai-cập; để rồi khi dân đói đến kêu xin vua Pha-ra-ô thì vua bảo: “Hãy đến cùng Giu-se”.
Danh hiệu “người công chính” gán cho ông Giu-se thời Cựu Ước, nay được thánh ký Mát-thêu dành cho thánh cả Giu-se, và câu nói của vua Pha-ra-ô “hãy đến cùng Giu-se” xưa cũng được Người Công Giáo xưa nay dành cho thánh cả Giu-se, khi làm biểu ngự đặt dưới chân tượng thánh Giu-se: “Ite ad Joseph”.
Tuy nhiên, trong sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, câu “Giu-se là người công chính” (Mt 1,19) phải hiểu như thế nào?
Có người vì đạo đức đã suy tư rằng, vì thánh Giu-se cảm thấy mình không xứng đáng với Đức Mẹ và Chúa Ngôi Hai nên đã tìm cách rút lui. Điều này rất không chính xác, ai giải thích như thế là không đọc Tin Mừng cho đầu đuôi, cắt lấy một cái ngọn rồi chú giải sai.
Bởi vì, đọc tiếp Tin Mừng, sẽ thấy chuyện Giuse muốn dùng kế “đào vi” để “rút êm” khi chưa được thiên thần báo mộng cho biết bào thai từ lòng Đức Mẹ là do đâu. Cho đến khi được thiên thần giải thích: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Khi biết được rõ ràng cái bào thai không do “tác giả” nào khác, mà là do quyền năng Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã đón Đức Mẹ về (không biết có làm đám cưới không nữa?).
Chuyện như thế, tại sao, thánh sử Mát-thêu lại gọi thánh Giu-se là người công chính?
Tin Mừng giải thích rằng: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Để giải thích, chúng ta cần biết rằng, Tin Mừng nói rõ mẹ Maria đã thành hôn với ông Giu-se (x. Mt 1,18), dù chưa về chung sống, nhưng nếu Maria có thai với “ai khác” thì bị kết vào tội ngoại tình, mà theo luật Do Thái, tội ngoại tình sẽ bị đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật và bị ném đá chết. Có lẽ đây là một dằn vặt lớn nhất cho thánh Giuse, bởi nếu tố cáo thì chắc chắn Maria sẽ bị ném đá chết. Thế rồi, Giu-se chọn cách rút êm, sẵn sàng nhận cho mình “án oan vô trách nhiệm” không thừa nhận đứa con và người vợ, chấp nhận chịu tiếng xấu của người đời, chứ không tố cáo vợ để Maria phải chịu tử hình ném đá. Khi tìm hiểu đến đây, chúng ta thấy phảng phất lại hình ảnh của Giuse-“người công chính” trong Cựu Ước đã chấp nhận án oan, chứ không tố cáo người khác. Đấy là cách mà thánh sử Mát-thêu khôn khéo so sánh.
Như vậy, biệt danh công chính của thánh cả Giu-se, bắt đầu từ việc chấp nhận phần thiệt cho mình để cứu người khác, dĩ nhiên cả cuộc đời của thánh cả Giu-se là một Đấng Công Chính rồi.
2. Thánh Giuse – người cha pháp lý của Chúa Giê-su.
Quan niệm Phương Đông, việc đặt tên cho con trẻ nói lên quyền pháp lý của một người cha hợp pháp, chịu trách nhiệm dưỡng dục và khai sinh cho con từ dân sự đến tôn giáo.
Xét theo Thánh Kinh và nòi giống lưu truyền trong nhân loại, Chúa Giê-su nhập thể “làm người”, Người cần có một gia phả trong gia đình nhân loại. Đồng thời, để lời các ngôn sứ được ứng nghiệm nguồn gốc vương đế thuộc dòng tộc Đa-vít, mà trong đó, chính thánh Giu-se là con cháu của vua Đa-vít.
Xét theo tính pháp lý, Chúa Giê-su cần một sự hợp pháp trong việc khai sinh, mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt.
Lại nữa, Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su.
Như vậy, vai trò của thánh Giu-se thật cao cả, dù chỉ là cha nuôi, nhưng thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm dưỡng dục bảo vệ tính hợp pháp cho “bản tính nhân loại” của Chúa Giê-su, cũng như trở nên nơi nương tựa tuyệt vời cho mẹ Maria và Chúa Ngôi Hai.

Để kết thúc cho bài suy niệm, chúng ta cùng tìm hiểu thêm lời sứ ngôn Isaia về Đấng Em-ma-nu-en mà Tin Mừng nhắc tới trong chương 1 câu 23:
Bản Hy Lạp viết: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14).
Có nhiều cách giải thích về dấu chỉ và điềm lành cho triều đại Đa-vít sau thời A-kháp, nhưng ở đây được các Kitô hữu nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh để áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh Đấng Emmanuel, là một Tin Vui cho nhân loại. Ngoài ra, khi nói về đức đồng trinh của Mẹ Vô Nhiễm, nghĩa là sự xứng đáng khi tiếp nhận và cưu mang Lời Chúa. Vì thế, những ai mang sứ vụ truyền giáo phải tôn trọng gìn giữ sự tinh tuyền của Lời Chúa khi được rao giảng cho nhân loại, phải được cắt nghĩa nhờ ơn soi sáng của Thánh Thần, chứ không phải do ý muốn của con người (tựa như Đức Maria cưu mang Ngôi Lời là do quyền năng Chúa Thánh Thần chứ không phải do ý muốn của nam nhân).
 Lạy Chúa,
Thời đại hôm nay đang sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí như Thiên Chúa đã chết rồi. Vì thế, hơn lúc nào hết, xin giúp chúng con biết trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, để nhờ đó mà mọi người nhận ra Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống và đang sống ở giữa nhân loại. Amen.

Hiền Lâm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét