Tìm kiếm - Search


25 thg 12, 2014

Gợi ý suy niệm Tin Mừng thứ năm.Mừng Chúa Gíang sinh

Con Thiên Chúa đi vào đời, sinh vào một quốc gia và một thể chế Tôn Giáo, nhất là đất nước và tôn giáo đóng vai trò khởi đầu ơn cứu độ, thì đương nhiên nhập gia tuỳ tục. Chúa Giêsu nhập thể và nhập thể cách trọn vẹn khi Ngài mang lấy một thân phận con người, sinh ra nơi một gia đình, giữ mọi tập tục lễ nghi.



SUY NIỆM TIN MỪNG ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,1-14


Đọc bài Tin Mừng thánh lễ Đêm Giáng Sinh hôm nay, tôi chợt nhớ đến hình ảnh ngày 13 tháng 6 hằng năm tại đền thánh An-tôn Trại Gáo (Giáo phận Vinh). Dịp lễ này, khắp nơi đổ về dự lễ có khi lên đến cả mấy chục ngàn người. Ai đến sớm vào 2 ngày trước thì còn tìm được một chỗ kha khá, ít ra là có thể tìm được chỗ qua đêm trên nền gạch trong sân đền thờ; còn những người đến sau thì phải tìm chỗ rất xa tận trên sườn núi, hay ngoài cách đồng. Đã về nơi đây dự lễ thì phải chấp nhận mọi thiếu thốn, đặc biệt khi phải tìm chỗ ngủ ở sườn núi hay ngoài đồng, không mùng mền hay điện nước, nhưng ai cũng như ai chỉ có mảnh bạt hay tấm áo mưa mang theo trải lên sỏi đá. Dân cư xung quanh đền thánh An-tôn không có nhiều các dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của khách, nên giàu hay nghèo cũng như nhau, nhưng ai nấy đều vui vẻ hòa chung với nhau trong một niềm vui tạ ơn Chúa qua lời chuyển cầu của thánh An-tôn.

Trở lại với bối cảnh thành Bê-lem xưa trong dịp kiểm tra dân số, có lẽ cũng vì không đủ chỗ trọ tốt vì lượng người đổ về đây quá nhiều, nên thánh Giuse và Mẹ Maria đành tìm chỗ trú qua đêm nơi một chuồng bò hay một hang đá cô quạnh chăng, nhất là khi Mẹ Maria đã đến ngày sinh nở ?

Có một điều chắc chắn là Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra nơi tột cùng của sự nghèo hèn thiếu thốn. Con Thiên Chúa đi vào đời, sinh vào một quốc gia và một thể chế Tôn Giáo, nhất là đất nước và tôn giáo đóng vai trò khởi đầu ơn cứu độ, thì đương nhiên nhập gia tuỳ tục. Chúa Giêsu nhập thể và nhập thể cách trọn vẹn khi Ngài mang lấy một thân phận con người, sinh ra nơi một gia đình, giữ mọi tập tục lễ nghi.

Khắp nơi trên thế giới ngày hôm nay, những người ngoài Ki-tô giáo cũng chia sẻ niềm vui Giáng Sinh, người thì nhân cơ hội kết nối tình thân hữu qua cánh thiệp, món quà hay lời cầu chúc, kẻ thì dùng dịp Giáng Sinh như một thời cơ phát triển thương mại, người khác chỉ đơn giản vui giáng sinh vì hình ảnh một em bé dễ thương mỉm cười nằm trong những mang cỏ được trang trí đèn nến lung linh…
Nhưng ít ai hiểu được ý nghĩa căn cốt của việc Con Thiên Chúa đi vào trần gian trong sự tận cùng của sự khó nghèo và hèn kém nhất của xã hội. Để lý giải cho vấn đề này, chúng ta cùng tập chú suy niệm qua hai ý sau đây:

1. Ý nghĩa tình yêu cứu độ.
Nhiều người vẫn thắc mắc rằng, nếu Thiên Chúa quyền năng thì chỉ cần ở chốn trời cao phán xuống một lời thì cứu độ được thế gian, cần gì phải chọn cách nhập thể vào nơi tục lụy và gánh lấy kiếp khổ đau như vậy…?
Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Ngài không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Ngài nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, phần lớn người Việt Nam còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu. 
2. Cảm thông với thân phận yếu hèn của con người.
Có thể nói sẽ rất khập khễnh trong tình yêu giữa Thiên Chúa và thụ tạo nếu Thiên Chúa giữ vai vế của Thiên Chúa để yêu, nên Người đã hạ cố xuống ngang hàng với con người mới có thể cảm thông và chia sẻ được.
Có câu chuyện kể rằng: “Một ngày kia thái tử Suseig đi dạo qua cánh đồng của Mada, tình cờ trên đường đi thái tử và đoàn tùy tùng gặp một cô thôn nữ đang gánh lúa về qua con đê đầu làng. Thái tử nhìn theo không chợp mắt và lòng thấy xôn xao khó tả… Về nhà thái tử ra ngẩn vào ngơ, nhiều đêm không ngủ và nhiều lần muốn xin vua cha để đi gặp cô thôn nữ ngày nào. Thấy diện mạo của thái tử mỗi ngày một khác đi, vua Erèp lo lắng và triều đình cũng xôn xao lo cho sức khỏe của Suseig. Vua Erèp liền triệu tập các quan từng tháp tùng thái tử đi dạo và hỏi han mới hiểu sự việc xảy ra như thế, vua biết Suseig không có bệnh gì mà chỉ là “đang yêu” mà thôi. Vua ngỡ ngàng không hiểu tại sao trong triều đình có nhiều công nương xinh đẹp thì thái tử không yêu, lại để lòng thương nhớ một cô thôn nữ xa xôi, quê mùa và chỉ xứng với hàng nô lệ. Nhưng vì là Quý Tử nên vua vẫn chiều lòng Suseig.
Được vua ban lệnh, thái tử Suseig hồi hộp chuẩn bị lên đường, nhưng một vị tướng cao niên đã hỏi thái tử:
Thưa điện hạ! Có chắc là cô gái đó sẽ nhận lời cầu hôn của điện hạ không?
- Ta chắc là như vậy.
Nhưng nếu điện hạ đi với tư cách là một thái tử đầy quyền lực oai phong, thì cô gái đó chấp nhận kết hôn chỉ vì sợ hoặc vì ham giàu sang danh vọng?
- Vậy thì ta sẽ cắm lều ở trong làng với nàng, ta sẽ cùng lao động khổ cực, chia sẻ những vất vả như một người hàng xóm thực thụ để dần dần chinh phục trái tim nàng.
Nhưng thưa điện hạ! Lỡ nàng đã có người yêu và kẻ tình nhân sẽ giết điện hạ thì sao?
- Không sao cả, nếu có rủi ro như vậy, lúc ta ngã xuống mà được nghe nàng thốt lên “I love you!” thì ta đã mãn nguyện rồi.
… Và thái tử Suseig đã đến, đã yêu và từng bị ngã xuống, đã được yêu, đã cưới được cô dâu về cho vua cha”.
Thiết nghĩ, nếu Chúa Giê-su đến trần gian trong tư cách một ông hoàng, hay sinh hạ vào nơi cung triều hoa lệ, thì Người có thể cảm thông được kiếp dân đen nghèo hèn tội lỗi không? 
Vâng, chính vì thế mà Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian trong thân phận nghèo hèn thiếu thốn, để cứu chuộc con người và làm cho cuộc đời mang một ý nghĩa mới trong Ơn Cứu Chuộc của Người.

Lạy Chúa Giê-su,
Đêm nay, đêm thánh vô cùng, đêm mà Chúa đã giáng sinh vào nơi nghèo hèn tội lỗi để thánh hóa kiếp lầm than của nhân loại thàng thánh, thành vương quốc Nước Trời, thành dân thánh và mọi người trở nên người nhà và là an hem với Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống tinh thần nhập thế như Chúa, là hòa mình vào mọi kiếp đời bất hạnh, hầu giúp mọi người có được phẩm giá xứng đáng, và đặc biệt hơn nữa là trở thành con cái Chúa. Amen.
Hiền Lâm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét